CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu sản phẩm, linh kiện điện tử

Invest Global 14:16 16/04/2021

Với kinh nghiệm làm việc và hợp tác cùng các công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng và tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu trong quý I/2021 với kim ngạch đạt 67,39 tỷ USD, tăng mạnh 24,8% so với quý I/2020 và chiếm 87,13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, đạt 14,08 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. Kế đến, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã vượt qua dệt may để vươn lên vị trí thứ 3 về mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tăng tới 77,2% so với quý I/2020, đạt 9,1 tỷ USD... Điều này khẳng định các sản phẩm, linh kiện điện tử tiếp tục đóng vai trò trong tạo việc làm cũng như đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, những năm gần đây Việt Nam đã nổi lên như một nền kinh tế năng động tại châu Á và đang dần trở thành công xưởng của thế giới, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự chính xác, hiện đại trong công nghệ và tiến độ giao hàng ngay cả với những đơn hàng lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) cho biết, trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu. Từ một đất nước với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nông sản, các mặt hàng thâm dụng lao động lớn, Việt Nam đang dần có những sản phẩm xuất khẩu mang tính công nghệ cao hơn với giá trị gia tăng cao, ví dụ như các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử…

“Với kinh nghiệm làm việc và hợp tác cùng các công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng và tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.

Ông Hakan Kozan - Giám đốc thu mua của Tổng công ty Arcelik (Thổ Nhĩ Kỳ), là công ty thuộc tập đoàn Koc Holding - một trong những tập đoàn về dịch vụ, các sản phẩm công nghiệp gia dụng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ thì cho biết, tập đoàn này coi châu Á – Thái Bình Dương không chỉ là nơi quan trọng để bán hàng mà còn là nơi cung cấp nguyên vật liệu cho nhà máy của mình. Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và là một trung tâm cho các nhà máy trên thế giới. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có được lợi thế đáp ứng được chiến lược phát triển của tập đoàn.

“Doanh nghiệp Việt Nam có năng lực trong việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với tập đoàn để sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tập đoàn mong muốn Việt Nam khai thác được cơ hội này để trở thành đối tác kinh doanh, không những cho Tổng công ty Arcelik mà còn là đối tác kinh doanh cho Tập đoàn Koc Holding”, ông Hakan Kozan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hakan Kozan cũng lưu ý, để trở thành đối tác chiến lược và là nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Arcelik, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Chỉ rõ hơn những yếu tố cơ bản giúp các sản phẩm điện tử của Việt Nam có cơ hội tiếp cận được với các đối tác, tập đoàn lớn, ông Koray Derman - Trưởng nhóm mua hàng của Tổng công ty Arcelik cho biết, Arcelik không chỉ quan tâm về giá mà còn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, đi kèm đó là dịch vụ logistics tốt, những vấn đề hậu mãi, năng lực quản trị, năng lực thiết kế của nhà cung ứng…

Ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nền kinh tế lớn, đứng thứ 13 trên thế giới. Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có tới trên 83 triệu dân với người tiêu dùng tương đối trẻ. Ngành công nghiệp điện tử xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu hướng đến thị trường châu Âu. Các nhà sản xuất, xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử của nước này phải tuân theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn của châu Âu và quốc tế.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng có cơ hội hợp tác với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, về phía Cục Xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, Cục luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ gắn kết giao thương, vì sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa hai nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần thường xuyên chủ động tiến hành giao dịch trực tuyến, trao đổi chi tiết về năng lực cung ứng của nhau, từ đó tăng thêm nhu cầu hợp tác cùng phát triển với các đầu mối mua hàng quan trọng khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Môi trường kinh doanh