CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng cung để 'giảm nhiệt' giá nhà đất

Invest Global 10:53 17/03/2021

Giá nhà và giá đất phụ thuộc vào các tác nhân của thị trường, đó là cung - cầu. Vì vậy, để có thể điều chỉnh giá nhà cần có thêm nguồn cung và cách tiếp cận, thay vì cố tình thâu tóm và hạ giá.

Thống kê của một số đơn vị nghiên cứu bất động sản (BĐS) hồi đầu năm 2021 cho thấy, mặc dù vẫn gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá BĐS trên cả nước vẫn có chiều hướng tăng, việc giảm giá chỉ có ở nhà đầu tư nhỏ lẻ cắt lỗ.

Toàn thị trường tăng giá

So với năm 2019, giá nhà trên cả nước trong năm 2020 đã thiết lập mặt bằng mới. Tại TP.HCM, giá tăng khoảng 10-15%, Hà Nội tăng 3-10%, các tỉnh, thành phố khác tăng khoảng 3-5%. Nhiều chuyên gia lo ngại người thu nhập thấp tại đô thị sẽ khó có cơ hội an cư lạc nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên nhân khiến giá BĐS trong thời gian qua tăng cao ngoài vấn đề nguồn cung hạn chế còn do chi phí triển khai dự án ngày càng tăng. Doanh nghiệp hiện nay vì yếu tố chi phí, thủ tục và lợi nhuận nên chỉ chú trọng phát triển phân khúc nhà cao cấp, bỏ qua thị trường nhà bình dân.

Trước đây, giá nhà Hà Nội luôn cao hơn TP.HCM, nhưng hiện giá nhà TP.HCM đã vượt xa Hà Nội. Giá bán nhiều dự án tại TP.HCM đang bị đẩy lên mức cao, thấp nhất cũng 30 triệu đồng/m2 trong khi chất lượng vẫn ở tầm "bình dân".

“Việc tăng giá bán sơ cấp này có nhiều trường hợp là do chi phí phát triển dự án gia tăng qua các năm khiến chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán theo. Tuy nhiên, cũng không ít chủ đầu tư lợi dụng thời điểm thị trường khan hiếm mà té nước theo mưa”, ông Đính phân tích.

Trước đó, báo cáo của một đơn vị nghiên cứu BĐS dự báo, bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020, giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người, không phải ai cũng có thể theo kịp giá nhà gia tăng. Bởi vậy, hiện rất cần các chính sách hỗ trợ khách hàng tiếp cận các sản phẩm nhà ở bình dân và dành cho người có thu nhập thấp.

Để kéo giá nhà xuống cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cung - cầu (Ảnh: Int)

Khơi thông những 'điểm nghẽn' 

Cũng theo ông Matthew Powell, 2 năm vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang lĩnh vực nhà ở giá thấp, khi đó sẽ có một sân chơi thương mại để giá nhà được thúc đẩy bởi nhu cầu mua. 

Ở bình diện rộng hơn, bên cạnh vấn đề giá nhà, dân số, cần phải tính đến các yếu tố quan trọng như nguồn cung nhà ở được đảm bảo, cơ sở vật chất phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi, sự phát triển của thị trường tại các khu vực mới và các tỉnh, thành.

“Để có thể điều chỉnh giá nhà, cần có thêm nguồn cung và cách tiếp cận, thay vì cố tình thâu tóm và hạ giá, bởi đây là việc rất khó có thể thực hiện”, ông Matthew nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội chia sẻ, để kéo giá nhà xuống trong điều kiện hiện nay đòi hỏi rất nhiều giải pháp từ nhiều bên. Trong đó, việc điều hành thị trường BĐS hoạt động ổn định, bền vững cùng phát triển với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hơn cả.

“Một khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, thị trường BĐS đa dạng về sản phẩm mua, thuê… sẽ đảm bảo cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu và chúng ta không cần quá lo ngại chuyện mức giá”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn tới thị trường Việt Nam, mang tới sự đa dạng trong sản phẩm. Đặc biệt, các nhà đầu tư hiện đang chú ý tới thị trường nhà ở giá rẻ, có thể sẽ mang lại sự phát triển cho những khu vực mới, các điểm tiếp cận mới, hệ thống đường sá mới và nhà xưởng mới. Điều đó sẽ thúc đẩy sự mở rộng và phát triển cho các thị trường BĐS ngoài Hà Nội và thậm chí là khắp Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Ninh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, vấn đề hiện nay là cần có những cơ chế hỗ trợ ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, có thể ưu tiên quỹ đất, quy hoạch, hỗ trợ đất đai như chậm nộp tiền đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội… Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp, tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Minh Trang