CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng trưởng tín dụng bất động sản cao nhất trong nền kinh tế

Invest Global 11:48 08/02/2023

Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng bất động sản sáng 8/2 tại Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế và là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Tín dụng bất động sản với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các hiệp hội bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại.

Tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn quan trọng tài trợ cho cả bên cung và bên cầu thị trường này.

Theo ông Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế (14,7%). Trong nhiều năm, tỷ trọng cho vay bất động sản luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19% đến 21%.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng.Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng.

Phó thống đốc khẳng định mối quan hệ giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ lắng nghe các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho cả 2 phía.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh và vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Thị trường bị chi phối bởi phản ứng tâm lý của nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đối với các chính sách về đất đai, tài chính lẫn tín dụng đã khiến tất cả các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bị ngưng trệ, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ tiền trả trước của người mua nhà.

Bên cạnh đó, nội tại thị trường bất động sản cũng phát sinh một số vấn đề bất cập như mất cân đối cung cầu, sốt đất cục bộ, thiếu hụt nguồn cung tại phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân, nhất là nhà ở xã hội.

Ông Đào Minh Tú khẳng định, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp.

Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là quan hệ cộng sinh, chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ lắng nghe các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho cả 2 phía.

Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ đã có hàng loạt động thái nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị  trường này bao gồm: (i) Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; (ii) công điện 1164/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ban ngành, yêu cầu triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trước đó, đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chính sách nới room tín dụng từ 1,5 – 2%.

Riêng với thị trường bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe ý kiến, nắm bắt khó khăn của các địa phương và doanh nghiệp, sớm có đề xuất giải pháp xử lý khó khăn của thị trường.

Giới phân tích nhận định, sự vào cuộc của Chính phủ là tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, chính sách mới sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả, giúp vực dậy niềm tin của nhà đầu tư và hồi phục thị trường.