CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thách thức lớn cho xuất khẩu rau quả thông suốt

Invest Global 08:15 11/08/2021

Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế tăng cao, có loại trái cây từ Việt Nam xuất đi, đang trên biển đã “cháy hàng” như ở Australia. Thế nhưng, để xuất khẩu rau quả thông suốt trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay là cả một thách thức quá lớn khi các hãng tàu từ chối vận chuyển hàng lạnh.

Là lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) rau quả hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, ông đang nắm được những thông tin là nguy cơ các hãng tàu không nhận vận chuyển hàng lạnh, trong đó mặt hàng rau quả.

Hãng tàu từ chối hàng lạnh 

Ông Tùng dẫn chứng như hãng tàu Evergreen hiện không nhận vận chuyển hàng lạnh; các hãng tàu khác cũng đang rất hạn chế. 

Để thị trường XK rau quả thông suốt đang là thách thức quá lớn với các DN.

Lý do là vì hàng lạnh (các container lạnh - một trong những dạng phổ biến của container nhiệt, dùng trong các trường hợp như vận chuyển hàng đông lạnh, hàng tươi sống…) có giá bằng hàng khô nhưng rủi ro lại cao nên các hãng tàu không ưu tiên vận chuyển.

Trong khi đó, theo Tổng giám đốc Vina T&T, với các mặt hàng rau quả tươi khi XK đòi hỏi phải đi ngay, không thể trữ lâu. Một số thì đưa vào kho đông lạnh, một số dùng cho chế biến, còn lại một phần hàng tươi có giá trị XK cao nhất là phải xuất ngay (dưới hình thức là hàng lạnh - PV). Thế nhưng, có nguy cơ các hãng tàu sẽ từ chối vận chuyển.

Ngoài ra, ông Tùng cũng lưu ý, người nông dân hiện đang rất hoang mang khi không biết việc đầu tư, chăm sóc cây trồng sắp tới sẽ như thế nào trước tình hình kéo dài của dịch Covid-19. Với nhiều thiệt hại như hiện tại, tâm lý của người nông dân là không chăm sóc cây trồng nữa.

“Nếu nông dân bỏ phế cây trồng trong thời điểm này thì nguy cơ sẽ thiếu hụt lớn nguồn cung nông sản chất lượng cao để phục vụ cho XK sau khi dịch bệnh được đẩy lùi”, Tổng giám đốc Vina T&T nói.

Để giải quyết phần nào khó khăn hiện nay của XK nông sản, nhất là trong vấn đề vận tải biển, ông Tùng đề nghị Cục Hàng hải Việt nam (Bộ Giao thông Vận tải) cần làm việc với các hãng tàu để có thể ưu tiên hoặc một phần có thể giữ lại việc vận chuyển hàng lạnh.

Bởi lẽ, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, theo vị lãnh đạo DN này, vận chuyển bằng hàng lạnh vẫn là chủ yếu khi XK nông sản. Nếu như các hãng tàu ngưng vận chuyển hàng lạnh thì việc XK nông sản sẽ bị ách tắc. Và khi đó, nông sản thu hoạch sẽ không tiêu thụ được.

“Vừa rồi, chúng tôi cũng đã làm việc với rất nhiều hãng tàu nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong chuyện này. Cho nên mong rằng các cơ quan quản lý có liên quan cần có giải pháp, nhất là đàm phán để các hãng tàu giúp đưa thêm tàu và container lạnh vào để phục vụ cho việc vận chuyển”, ông Tùng bày tỏ.

Vina T&T có công suất XK rau quả mỗi tháng khoảng 100 container, nhưng thực tế hiện nay chỉ được các hãng tàu "cấp quota" khoảng 30 - 40 container/tháng.

Thoáng qua “giấc mơ cháy hàng”

Vấn đề này khiến cho DN cực kỳ khó khăn khi giải quyết phần nông sản tồn đọng. Và DN chỉ biết đưa rau quả vào kho đông lạnh trong thời gian dài, dẫn đến tốn kém điện nặng rất lớn, phát sinh thêm nhiều chi phí.

Trong khi “nút thắt” vận chuyển vẫn chưa thể thông suốt thì nhu cầu tiêu thụ rau quả đang tăng cao trên thị trường quốc tế cũng là điều mà ngành hàng rau quả cần lưu tâm.

Đơn cử như ở thị trường Australia. Mới đây, Thương vụ Việt Nam cho biết, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh của Công ty Ưu Đàm từ Việt Nam xuất sang Australia đã được tiêu thụ hết chỉ trong 2 ngày phân phối từ ngày 23 - 24/7.

Ngoài ra, 45 tấn sầu riêng Ri6 từ Việt Nam xuất đi, đang trên biển cũng đã “cháy hàng” tại Australia vì các cửa hàng đặt đã mua trước đó. Giá sàn thấp nhất từ 18.99 AUD/kg đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20-25 AUD/kg đối với loại bóc sẵn. 

Cũng theo phía Thương vụ, từ đầu năm 2021, mặc dù nhiều thành phố tại Australia thực hiện giãn cách xã hội, sầu riêng Ri6 vẫn có sức mua lớn. Hiện nay, Thương vụ đã kết nối với một loạt các công ty và nhà nhập khẩu lớn để tiếp tục nhập khẩu thêm sầu riêng và nông sản từ Việt Nam ngay trong tháng 8/2021.

Hoặc như với XK trái thanh long. Nửa đầu năm 2021, thanh long Việt Nam XK sang thị trường Australia ổn định, giá tốt. Trong đó, tại hệ thống siêu thị hàng đầu của Australia như Coles, thanh long được bán với giá 4,90 AUD/quả (tương đương với 80.000 VND/quả). Tại các siêu thị, cửa hàng tại Melbourne, Adelaide, Sydney, thanh long có giá khoảng 9-15 AUD/1kg.

Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19 nên việc XK thanh long sang Trung Quốc (thị trường XK lớn nhất của trái thanh long Việt) trong nửa đầu tháng 8/2021 lại đang gặp khó. Đặc biệt là mới đây, 2 cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long.

Điều này dẫn đến việc giá thu mua trái thanh long ở nhiều địa phương như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp... đã rớt rất sâu (hiện ở mức 3.000 - 6.000 đồng/kg) và đầu ra rất khó khăn khi đang bước vào thu hoạch rộ. 

Đây cũng tiếp tục là bài học cho XK thanh long nếu vẫn cứ tiếp tục phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc mà không có sự chuyển hướng, đa dạng thị trường nhằm tránh rủi ro. 

Có thể nói, để thị trường XK rau quả thông suốt giữa giai đoạn dịch bệnh như hiện nay là cả thách thức cực kỳ lớn. Tâm lý hoang mang của nông dân là khó tránh khỏi khi “giấc mơ cháy hàng” vẫn chỉ là... giấc mơ. Và phía DN cũng như nông dân đang tiếp tục trông chờ những giải pháp tháo gỡ nút thắt từ các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Thế Vinh

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Môi trường kinh doanh