CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thay đổi để thích ứng

Invest Global 08:34 17/02/2021

Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, Thời báo Kinh Doanh ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân... về các trải nghiệm đầy thách thức trong năm cũ 2020 và những kỳ vọng trong năm mới để doanh nghiệp Việt tự tin, có hướng đi mới vững chắc hơn, nỗ lực phục hồi tốt hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao:

Sức mạnh của DN trong năm mới chính là việc tiến gần hơn đến người tiêu dùng 

Nhìn lại năm 2020 với tác động kép từ đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới khiến cho doanh nghiệp (DN) tiến thoái lưỡng nan và chịu tác dụng kép nghịch chiều: Chi phí tăng - doanh thu giảm.

Khó khăn của các DN nằm ở dòng tiền, không có đơn hàng mới, không có thanh khoản mà lại chịu áp lực duy trì chi phí cho người lao động, các chi phí sản xuất, vận hành, logistics, bảo hiểm, công đoàn…

Bà Vũ Kim Hạnh

Điều đáng nói, khó khăn lớn nhất mà DN phải chịu đựng là nhu cầu tiêu dùng trên thị trường giảm mạnh. Điều đó khiến cho các DN bối rối về vấn đề thị trường và về vấn đề khách hàng khi không tiếp xúc được (do ảnh hưởng dịch bệnh), thay đổi hành vi bất định.

Trong khi các DN nhỏ rơi vào trạng thái rối bời vì không xác định được thị trường thì các DN quy mô lớn nhưng vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống lại phải loay hoay tìm cách “vá lỗ thủng” của thị trường

Vì vậy, trong năm 2021 này, điều mà tôi mong muốn là các DN cần đề phòng “tai biến”. Họ nên lui lại, nhìn lại dưới chân tường, để từ đó nhìn nhận đâu là những cơ hội trong năm mới và cũng cần thực tiễn trong việc tận dụng các cơ hội khi bản thân DN có những thay đổi tích cực trong việc chuẩn hoá, số hoá.

Tôi cho rằng các DN nên tận dụng những cơ hội trong năm 2021 để nhìn lại những lỗ hổng, quy trình của công ty mình mà “bắt bệnh” và áp dụng số hóa cho phù hợp. Xu hướng số hoá có thể được tận dụng, bắt đầu từ việc chẩn đoán lại “sức khoẻ” nội tại của DN để tìm ra giải pháp riêng, dựa theo sự phù hợp của từng quy mô, ngành hoạt động. 

“Sức mạnh” của DN trong năm mới chính là việc tiến gần đến người tiêu dùng để lắng nghe rõ nhất nhu cầu của họ. Từ đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ không chỉ phù hợp thị hiếu mà còn đạt các tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng:

Đúc rút ra điểm yếu thực sự của mỗi DN để tái cấu trúc 

Nếu như mọi chuyện thuận lợi, “bắn trúng” dịch Covid-19 thì nền kinh tế thế giới có thể phục hồi dần từ giữa năm 2021 trở đi và hy vọng trong một năm rưỡi đến hai năm tới, thế giới sẽ cân bằng lại và phát triển trên một thế đứng mới và phát triển nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng.

Với cuộc cách mạng chuyển đổi số và sự bùng phát của thương mại điện tử đã làm cho thế giới có cách nhìn nhận mới về tính hiệu quả của những loại hình kinh doanh mới trong những giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh.

Cho nên, tôi kỳ vọng trong năm 2021 với sự phát triển đó sẽ là cơ hội mới để tạo ra kênh phát triển mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Với kinh tế Việt Nam trong năm 2021, sau những ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ có những tỉnh táo hơn, đúc rút ra những điểm yếu thực sự của mỗi một DN hay một bộ phận trong chuỗi giá trị của mình để tái cấu trúc đầu tư nhiều hơn.

Nhất là với sự khó khăn của hệ thống DN do ảnh hưởng dịch bệnh từ năm 2020 thì các DN vốn đã có cơ hội để thấm đòn sẽ thay đổi nhận thức, tái cấu trúc toàn bộ hệ thống chuỗi của mình để có một chuỗi nối liền, được hàn gắn trên mức độ cao hơn, dùng công nghệ nhiều hơn.

Đặc biệt, các DN sẽ tiếp tục nâng cấp lên những khâu mà mình yếu thật sự, từ nhân sự, công nghệ, tài chính, thị trường, giao dịch mua bán…Trong điều kiện bối cảnh mới của năm 2021 sẽ có cơ hội để các DN Việt có trách nhiệm với nhau hơn và tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, cũng như cung cấp nhiều hơn lượng sản phẩm cho toàn xã hội.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia:

Tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định FTA thế hệ mới

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dù sẽ phục hồi, khả quan hơn nhưng còn nhiều bất định trong năm 2021, để bức tranh kinh tế Việt Nam tươi sáng hơn, phấn đấu đạt mục tiêu mà Quốc Hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021 thì đòi hỏi chúng ta cần thực thi hiệu quả nhằm tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

TS.Cấn Văn Lực.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần thực thi hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng, sàng lọc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030 nhằm tận dụng tốt hơn xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Hơn nữa, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh và đẩy mạnh cải cách thể chế theo các cam kết hội nhập.

Nhất là cần quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả. Đặc biệt là cần lưu ý tính liên kết vùng, đồng thời tăng cường nội lực, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài.

Và nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 cần tiếp tiếp đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nhất quán thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Trong đó, hết sức chú trọng nâng cấp hạ tầng số, đẩy mạnh chính quyền điện tử, hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh cá nhân và DN, cũng như tăng năng lực an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Nafoods Group:

Cần gói tín dụng cho những DN nông sản chế biến

Nhìn lại bối cảnh dịch bệnh của năm 2020 vừa qua thì thấy rằng nỗ lực của DN chế biến ngành hàng nông sản và nông dân rất lớn, sự vào cuộc của các Bộ, ngành cũng rất là tích cực. Bản thân DN của chúng tôi ở những thời điểm thách thức từ dịch bệnh vẫn kiên định với chuỗi giá trị nông nghiệp xanh bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Có thể nói với đại dịch Covid-19, cảm giác đầu tiên từ phía DN là “sốc”, đặc biệt là các DN trong ngành hàng chế biến nông sản. Tôi còn nhớ ban đầu với kế hoạch cho năm 2020, công ty rất tự tin, nhưng khi đại dịch diễn ra, ảnh hưởng đầu tiên là trái cây tươi mà công ty xuất khẩu bị ách lại ở biên giới Trung Quốc và phải đem trở lại công ty để chế biến, sau đó là những đơn hàng từ các quốc gia khác bị chậm lại hoặc bị huỷ, dẫn đến dòng tiền chậm.

Chúng tôi phải đối mặt thách thức khi tiền hàng không thanh toán được, ngân hàng chưa hỗ trợ kịp thời DN thì vấn đề chúng tôi gặp phải là phải làm sao mua nông sản của nông dân. Khi đó, chúng tôi đứng trên tinh thần “mỗi văn phòng, mỗi nhà máy của công ty giống như một chiến hào, và mỗi thành viên công ty giống như một chiến sĩ".

Dần dần quen với tình hình mới, chúng tôi thấy rằng phải vượt lên các thách thức và tận dụng các cơ hội mà mình có. Nhất là DN nhìn lại tầm nhìn chiến lược của mình để hoạch định lại, thay đổi hệ thống quản trị, cắt giảm chi phí.

Với những điều mà DN cần trong năm mới 2021, chúng tôi cho rằng đó là thị trường cho DN ngành hàng nông sản thực phẩm phải ngày càng được mở ra. 

Ngoài ra, chúng tôi vẫn mong trong năm mới làm sao để nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt nhiều chứng chỉ quan trọng, để khi xuất khẩu ra thị trường thế giới sẽ bán được giá cao hơn. Một mình DN không thể làm được mà phải cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các nguồn lực mang tính tập trung. Nhất là cần có những gói tín dụng cho những DN nông sản chế biến.

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Niềm Tin Việt:

Sẵn sàng đối diện với thách thức

Với các DN trong ngành thương mại du lịch (một trong những nhóm ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19) thì điều mong mỏi nhất trong năm 2021 là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn, công ăn việc làm của người dân cũng ổn định hơn, hoạt động của các ngành nghề sẽ tích cực hơn. 

Ông Phan Anh Tuấn.

Tuy vậy, riêng với ngành du lịch, bao gồm cả tour, tuyến, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng...thì năm 2021 chỉ mới phục hồi phần nào, nói chung là vẫn còn khó khăn dù có thể sẽ sáng sủa hơn so với năm 2020.

Do đề phòng dịch bệnh nên tâm lý của người dân trong năm 2021 sẽ không đi du lịch nhiều như các năm trước, thậm chí sẽ không có mức tăng đáng kể so với năm 2020. Trong khi năm 2019 là đỉnh điểm của ngành du lịch Việt, kể cả khách du lịch trong nước, khách nước ngoài vào Việt Nam và khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài...

Dù tình hình du lịch trong năm 2021 chưa thật sự khả quan khi mà nguồn lực tài chính của người dân bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19 dẫn đến hạn chế đi du lịch, tôi mong là các DN trong nhóm ngành du lịch cần tiếp nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn và có lộ trình phục hồi hiệu quả trong các năm tới.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Phó tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển bền vững (SLDT):

DN, HTX cần quan tâm hơn đến các FTA

Làm việc, tiếp xúc nhiều và tham gia đào tạo để nâng chất lượng hoạt động của bà con tiểu thương, các DN vừa và nhỏ, HTX... điều mà tôi mong muốn nhất trong năm 2021 là họ phải phát triển hiệu quả hơn nữa, nỗ lực vượt qua các thách thức, trong đó có thách thức từ dịch Covid-19. 

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương.

Những gì mà họ làm tốt rồi thì cố gắng phát huy, những gì chưa tốt thì cố gắng cải thiện và nâng cấp mình nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, các HTX, DN vừa và nhỏ... cần quan tâm nhiều hơn đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. 

Bởi vì nếu không quan tâm thì tự mình sẽ loại mình ra những thị trường tiềm năng này và tự mình loại mình ra mà nguyên nhân không phải từ nước ngoài mà từ trong ý thức bản thân của mình.

Mặt khác, chính bản thân các HTX, DN cũng cần quan tâm, hiểu nhiều hơn đến chính sách pháp luật về kinh doanh ở trong nước, để từ đó nếu có khó khăn thì họ cần mạnh dạn kiến nghị lên các cơ quan quản lý. 

Đặc biệt, điều tôi mong muốn nhất trong năm 2021 là các HTX, DN vừa và nhỏ có sự phát triển đồng bộ cả hệ thống và khẳng định vị trí đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế, được đánh giá cao về tài sản trí tuệ. 

Điều này đòi hỏi họ có sự chuyển dịch rõ về ý thức, trên thực tế thì một phần HTX, DN vừa và nhỏ đã có điều đó và phát triển rất tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa cao dẫn đến sự phát triển chưa đồng bộ.

Thế Vinh thực hiện