CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường lao động 'đóng băng' vì Covid-19

Invest Global 09:21 14/03/2020

(TBKTSG Online) - Dù đã vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng của một tập đoàn điện tử lớn với vị trí trưởng phòng sản xuất, nhưng đã nửa tháng nay Hoàng vẫn chưa nhận được thư mời nhận việc (offer letter). Hoàng và doanh nghiệp săn đầu người, đơn vị trung gian giữa anh và công ty Nhật kia, đều hiểu rằng, dịch Covid 19 đang len lỏi mọi ngóc ngách của nền kinh tế, và thị trường việc làm không ngoại lệ.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội - Ảnh: TN

Đóng băng

Chị Nhung, trưởng nhóm một công ty săn đầu người có tiếng than thở: chưa bao giờ thị trường tuyển dụng đóng băng như hiện nay. Khách hàng trong mảng bất động sản và du lịch đã dừng tuyển dụng các vị trí cấp cao từ đầu tháng 1. Hiện nay nhóm Nhung đang tìm một vị trí giám đốc truyền thông số cho một công ty về giáo dục mà khách cũng vừa báo dừng cách đây vài ngày. “Chúng tôi tới văn phòng rồi lại về mà không có việc để làm", Nhung than thở.

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cũng không sáng hơn. Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông thường thời điểm qua tết là mùa tuyển dụng vì doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện kế hoạch kinh doanh năm tới, người lao động cũng có ý định đổi việc sau thời gian nghỉ tết. Song, năm nay nhu cầu tuyển dụng giảm tới 15-20% so với cùng kỳ trước diễn biến dịch. “Chưa bao giờ thị trường tuyển dụng ảm đạm như vậy”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc Navigos Group cho hay, dịch bệnh đang có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc, hoặc cho nhân viên nghỉ không lương ở nhà. Các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được trong 6 tháng tới, song họ phải kết hợp với việc cắt giảm các chính sách phúc lợi.

Đối với phân khúc thị trường tuyển dụng trung, cao cấp, thách thức đến từ cả nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực. Về phía cầu, các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc hoãn việc tuyển dụng một số vị trí trọng yếu do việc triển khai chiến lược kinh doanh năm 2020 có thay đổi. Nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào đội ngũ nhân viên hiện tại thay vì tuyển mới.

Về phía cung, các ứng viên cũng dè dặt hơn trong việc cân nhắc các cơ hội mới. Và dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, khá nhiều ứng viên đã quyết định ở lại chung tay với công ty hiện tại vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, hầu hết các vị trí tuyển chuyên gia người nước ngoài bị hoãn lại do ứng viên không sang được Việt Nam.

Tới nay, tình trạng sa thải lao động vì Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. Theo số liệu của Trung tâm trên, số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp trong 2 tháng đầu năm là 7.000 người, mới chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc sa thải lao động trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Theo dữ liệu từ VietnamWorks, số lượng công việc đăng tuyển của các ngành có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm ngoái như hàng không/du lịch (-28%); nhà hàng/khách sạn (-21%); giáo dục (-11%)...

Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như dệt may, da giày, chế biến hải sản, nhà hàng, khách sạn, lưu trú, hàng không.

Qua trao đổi với hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thành cho hay, những doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn, khó cầm cự được lâu vì nguyên liệu của họ nhập vào, chủ yếu từ Trung Quốc chỉ dùng được đến hết quí 1.

Loay hoay tìm giải pháp

Do chỉ đạo tránh tập trung đông người, các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm dịch vụ việc làm phải dừng lại từ đầu năm. Để đảm bảo thị trường lao động được thông suốt, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện hai giải pháp. Thứ nhất là thu thập dữ liệu cung cầu thị trường lao động và gửi các báo cáo thị trường đó tới doanh nghiệp và người lao động. Thứ hai, trung tâm đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua phỏng vấn trực tuyến qua máy vi tính.

“Đây là nỗ lực của trung tâm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay”, ông Thành nói.

Có một cái nhìn lạc quan hơn về diễn biến dịch bệnh, theo bà Phương Mai, trước đây Việt Nam đã chứng kiến 2 sự kiện ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Thứ nhất là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhu cầu lao động tăng nhanh nhưng khi đó nguồn cung lao động chất lượng cao, có tay nghề còn khan hiếm.

Thứ hai là sự kiện suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến các doanh nghiệp cắt giảm mạnh tuyển dụng ứng viên trong ngành tài chính và bất động sản. Hai sự kiện này ảnh hưởng đến thị trường lao động Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm, sau đó thị trường lao động đã phục hồi và phát triển tốt.

“Do đó, cần chú ý rằng những sự kiện này đều mang lại tác động trong những khoảng thời gian nhất định, và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường”, bà Phương Mai nói. “Nên chúng ta vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới”.

Do đó, đây có thể là thời gian để các doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất, trong khi người lao động có thời gian để bồi bổ kiến thức, chờ khi thị trường lao động phục hồi trở lại.

Mời đọc thêm:

Doanh nghiệp lớn nhỏ đều 'thấm đòn' vì dịch Covid 19