CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường thương mại điện tử trước nguy cơ 'mất' 2,6 tỉ đô la

Invest Global 09:54 21/10/2020

(TBKTSG Online) - Trong kịch bản xấu nhất, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi kết thúc năm có thể chỉ còn 11 tỉ đô la, giảm 2,6 tỉ đô la so với dự tính trước khi có dịch bệnh Covid-19.

Thương mại điện tử Việt Nam có thể bị chậm nhịp tăng trưởng vì Covid-19. Ảnh minh họa: V.Dũng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ B2C (Business to Customer - từ doanh nghiệp tới khách hàng) năm 2019 đạt 10,08 tỉ đô la, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến so sánh trên dân số đạt 42%. Với mức tăng trưởng ổn định được duy trì qua các năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào điều dự tính nói trên, gây tác động nặng nề đến lĩnh vực kinh tế được đánh giá là tiềm năng trong mục tiêu tái cơ cấu và chuyển dịch nền kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh (từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2020), có 57% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại điện tử cho biết doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí tăng trưởng âm; tuy nhiên, vẫn có 24% doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 51% so với cung kỳ năm trước đó.

Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch thương mại điện tử giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp).

Dự báo thương mại điện tử cả năm 2020, Bộ Công Thương cho biết với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quí 4 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 12 tỉ đô la.

Còn trong trường hợp xấu nhất, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong quí 4-2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống... sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường thương mại điện tử bị tác động lớn, ước đạt 11 tỉ đô la, tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chỉ đạt 13%.

Nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 Đông Nam Á.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt trung bình 600 đô la/người/năm. Từ đó, doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỉ đô la, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đồng thời, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác cũng được kỳ vọng thu hẹp lại.

Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương cũng chú trọng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, cũng như xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

Năm 2019, cơ quan chức năng kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt trên 16,9 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỉ đồng.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223,6 nghìn gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, một số vụ việc nổi bật là kiểm tra, xử lý hệ thống Ansan Cosmetics, website Kagawa.vn và Minhchay.com.