CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thu hút FDI 7 tháng và triển vọng năm 2024

Invest Global 09:28 09/09/2024

Tình hình kinh tế-xã hội của nước ta 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đạt được thành tựu đáng khích lệ.

Triển vọng thu hút vốn FDI 2024

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 31/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, đầu tư mới tăng cả về vốn đăng ký (12 tỷ USD, tăng 27%), số lượng dự án (2.247 dự án, tăng 8,5%) so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng 4,9% (926 lượt) và số vốn đăng ký tăng thêm cũng tăng 14,8% (đạt hơn 5,7 tỷ USD).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 8 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD, chiếm gần 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 77,6% so với cùng kỳ.

Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 844,9 triệu USD và hơn 761,9 triệu USD.

Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 8 tháng năm cũng đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chiếm tới 74% số dự án đầu tư mới và 77,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Bộ KH&ĐT cho biết, hiện có khoảng 13 dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ tương lai, Trung tâm R&D, Trung tâm Đổi mới & Sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao có vốn hàng chục tỷ USD sắp được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, đang thương thảo để tiến tới thực hiện tại một số tỉnh, thành phố.

Do đó, có thể dự báo năm nay Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhất dự án FDI với vốn đăng ký đạt khoảng 40 tỷ USD, vốn thực hiện trên 25 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển 2021-2030.

Thách thức và cơ hội

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Kinh doanh của Anh (Centre for Economics and Business Research - CEBR) nhận dịnh, tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024- 2028 và 6,4% trong 9 năm tiếp theo, do đó GDP đạt 1.050 tỷ USD vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, đạt 1.559 tỷ USD năm 2038, vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông, nền kinh tế có độ mở lớn chịu tác động đan xen bởi tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính, dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu ứng nhà kính, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc hơn vào nước giàu.

Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cùng với những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc thích nghi với môi trường đầu tư toàn cầu trở nên phức tạp hơn.

Chuyên gia của HSBC nhận xét, một số lợi thế Việt Nam có thể vấp phải trở ngại từ những nước khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái sản xuất, do đó cần tiến lên một cấp độ mới để vượt qua những thách thức đó.

Đến nay dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore; từ năm 2023 nhiều tập đoàn công nghiệp Trung Quốc đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam với gần 20% vốn FDI đăng ký mới. Hoa kỳ, Đức, Pháp, Anh đã đạt được thoả thuận tăng nhanh vốn FDI tại Việt Nam nhất là khai thác đất hiếm, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp tương lai, năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao; cần triển khai nhanh để góp phần thực hiện mục tiêu gia nhập các cường quốc công nghiệp bán dẫn, công nghiệp tương lai trong những năm sắp tới.

Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội mới thu hút ngày càng nhiều dự án FDI chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn, đòi hỏi phải đổi mới nhanh hơn tư duy và hành động, bởi vì tư duy phát triển có thể được hiểu là tư duy dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn, nhận thức đúng bản chất và thực trạng tình hình, nhìn ra được xu thế và xu thế khách quan của sự vận động, trên cơ sở đó xác định được định hướng chiến lược phát triển phù hợp, các nhân tố và thể chế thúc đẩy phát triển; trong đó cần chú trọng ba yếu tố là hoàn thiện thể chế, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và đổi mới quản lý nhà nước.