CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Doanh nghiệp muốn phát triển phải có thị trường

Invest Global 08:23 08/12/2021

Để có thể phục hồi sau đại dịch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng doanh nghiệp phải có thị trường, bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tiềm lực, trình độ quản lý và công nghệ để tham gia cạnh tranh tại các thị trường lớn.

b_08210526102020 Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh MPI.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tham vấn các đối tác phát triển, doanh nghiệp, ngành hàng, chuyên gia để xây dựng, hoàn thiện dự thảo "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".

Để có cái nhìn tổng thể hơn về dự thảo này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT).

Xin ông cho biết thêm về quy mô và thời gian của chương trình phục hồi kinh tế?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Về quá trình xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước và đã kịp thời đáp ứng yêu cầu trình các dự thảo chương trình đến cấp có thẩm quyền.

Nội dung của chương trình phục hồi tập trung 5 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

Các giải pháp này đã cơ bản bao quát hết lĩnh vực cần phải hỗ trợ, cũng như các mấu chốt của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển. Thời gian dự kiến áp dụng chương trình là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022 và 2023.

Cụ thể hơn, ở nhóm doanh nghiệp, họ cần được hỗ trợ thế nào để đạt hiệu quả tối đa, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Có 3 yếu tố chính, một là cơ chế chính sách. Về vấn đề này chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực và đổi mới. Tuy nhiên với luật pháp, để sửa đổi sẽ mất rất nhiều thời gian và khi ban hành xong thì công tác đi vào đời sống cũng cần thêm một thời gian nữa.

Hai là liên quan đến các thủ tục hành chính, cải tiến yếu tố này sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, đây sẽ là hiệu ứng rất tốt để hỗ trợ cho nhóm này. Ba là nguồn lực, trong đó có các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn.

Song cần phải nhấn mạnh rằng, đây đều là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là doanh nghiệp phải có thị trường, bởi nếu không có thị trường thì dù có vốn, cơ chế thông thoáng thì sẽ không làm được gì. Chúng ta hay nói đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thị trường quốc tế mà doanh nghiệp Việt có thể tham gia, nhưng thực ra mức độ cạnh tranh chúng ta vẫn đang thấp. Để tham gia các sân chơi lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải lớn, có tiềm lực, trình độ quản lý cũng như công nghệ tốt. Số doanh nghiệp đáp ứng những chỉ tiêu này tại Việt Nam vẫn còn rất ít.

Đầu tháng 9, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 105 về việc hỗ trợ doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Nghị quyết 105 có vai trò rất quan trọng trong việc tháo gỡ những vướng mắc nhưng nếu Nghị quyết này đi riêng lẻ một mình không thể giải quyết được hết các vướng mắc còn tồn đọng. Tuy nhiên, nếu kết hợp Nghị quyết 105 với Nghị quyết 128 thì lại cho thấy nhiều hiệu quả với mức độ tích cực, tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra một xung lực cho các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hồi phục.

Điển hình như trong tháng 10 tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới rất cao, tăng gấp đôi so với tháng 9. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 tháng qua. 

Trong hai Nghị quyết này, Chính phủ đã rất kịp thời, ban hành đúng thời điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi. Ở giai đoạn đầu triển khai, sẽ có một số ý kiến băn khoăn về Chính phủ chuyển hướng sang cách tiếp cận mới, đơn cử như việc lo ngại tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng cao. Dù vậy, tôi cho rằng, chúng ta đã dự kiến được biến động của dịch bệnh, nên không còn tâm lý quá sợ hãi, nhiều cơ quan ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã có sự bình tĩnh, xử lý tình huống nhẹ nhàng, thuận lợi kể cả trong tình huống cách ly khoanh vùng.

Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng, ông đánh giá thế nào về diễn biến này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Hiện nay số lượng cam kết của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng, đây là điều đáng mừng. Có thêm một kỳ vọng nữa là các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại nước ngoài đều gắn với xúc tiến đầu tư, điều này tạo hiệu ứng tốt về triển vọng đầu tư nước ngoài trong năm 2022 sẽ tăng trưởng. 

Xuất khẩu tăng cao nhưng tăng trưởng GDP lại thấp, ông cho rằng đâu là nguyên nhân?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Xuất khẩu chỉ là một biến số trong tăng trưởng GDP. Trong khi đó chi tiêu và đầu tư lại bị dịch bệnh tác động rất nhiều, do vậy mà sự tăng lên của xuất khẩu khó thể bù lại được đà giảm của hai yếu tố còn lại.

Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, cần phải nói thêm rằng không chỉ riêng xuất khẩu hàng hóa bởi trong công thức tính GDP chênh lệch xuất nhập khẩu thì bao gồm cả xuất nhập khẩu dịch vụ. Lấy ví dụ xuất khẩu hàng hóa thặng dư 2 tỷ USD thì xuất nhập khẩu dịch vụ thâm hụt khoảng 8 tỷ USD, hai chỉ tiêu này cộng lại với nhau thì cán cân thương mại tổng thể vẫn thâm hụt 6 tỷ USD, điều này làm âm GDP, chính vì vậy sự tăng trưởng của xuất khẩu chỉ phần nào hỗ trợ cho đà tăng của GDP thôi. 

Theo ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế khi nào sẽ quay trở lại?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo kịch bản của Bộ KHĐT, nếu làm tốt đề án phục hồi thì có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2022 và có thể tăng cao hơn trong năm 2023. 

Động lực để thực hiện các mục tiêu và thông điệp trong năm 2022 là gì, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Có rất nhiều động lực để thực hiện các mục tiêu. Đầu tiên nhìn ở khía cạnh sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, chúng ta đang thiếu 1 động lực đấy là dịch vụ. Thông thường du lịch mỗi năm sẽ tăng trung bình trên 6% nhưng hiện nay thì đang âm. Do vậy, nếu động lực dịch vụ này quay lại thì chúng ta sẽ rất yên tâm về sự phục hồi của nền kinh tế. Dịch vụ quay lại thì có nghĩa là công nghiệp phát triển rất tốt.

Xét về phía cầu, thực tế hiện nay tổng cầu nền kinh tế đang rất yếu, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng khá ít, chỉ từ 2-3%, trong khi đó ở các năm trước dịch (2017, 2018, 2019) chỉ tiêu này đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. Lĩnh vực đầu tư cũng cần có thời gian để hồi phục, nhất là vấn đề đầu vào của các nguyên liệu như xi măng, sắt thép, năng lượng.

Kế hoạch năm 2022 đã được Quốc hội thông qua và sắp tới đây có chương trình phục hồi nữa thì đây sẽ là giải pháp cộng thêm từ đó giúp các giải pháp có hiệu ứng mạnh hơn.

Thông điệp đầu tiên của năm 2022 chính là niềm tin. Nghĩa là phải thể hiện được niềm tin rằng chúng ta phục hồi, có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh và có thể vượt qua các khó khăn. Đây là niềm tin có cơ sở bởi nền tảng của chúng ta chưa mất. Mặc dù năm 2022 có thể gặp một số sức ép về lạm phát nhưng chúng ta không bị mất cân đối về ngân sách, về xuất nhập khẩu, lao động và cả về đầu tư.

Cơ sở thứ hai để chúng ta có niềm tin là chúng ta có sự quyết tâm của cả hệ thống, có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp. Bên cạnh đó chúng ta có giải pháp phục hồi phù hợp, các thành phần kinh tế đặc biệt là khối doanh nghiệp cũng đang gia tăng hoạt động sản xuất.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên Nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: toasoan@nhadautu.vn, tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn "Vượt qua COVID".