CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thủ tướng Chính phủ: Không vì phục hồi kinh tế mà dễ dãi với dịch bệnh

Invest Global 15:19 02/07/2020

Sáng nay (2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81% . Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Theo đó, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới nên nhiều cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nhưng cũng còn nhiều khó khăn.

Vì thế, Thủ tướng đánh giá, những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, củng cố niềm tin cho nhân dân, doanh nghiệp và quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nên nhiều tổ chức, cơ quan truyền thông quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam; nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang tiến hành xem xét, nghiên cứu việc di chuyển đầu tư, nhà máy vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Trong tình hình còn nhiều biến động, chúng ta chủ động, vững tin nhưng không được chủ quan, càng không nên bi quan. Mỗi khi gian khó lại là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn phải càng quyết tâm vươn lên”.

Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu các giải pháp, cơ chế đặc biệt, tập trung thực hiện các nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.

“Các bộ, ngành, địa phương đề xuất, hiến kế để thực hiện “mục tiêu kép”: Một là không để dịch Covid-19 quay lại xóa thành quả phấn đấu, không vì phục hồi kinh tế mà dễ dãi với dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; hai là phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng và đời sống nhân dân”, Thủ tướng yêu cầu.

7 giải pháp trọng tâm

Tại Hội nghị lần này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chú ý đến 7 vấn đề.

Đó là, dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như giá dầu thô, giá thịt lợn còn cao… nên tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài, bên trong để có giải pháp điều hành đồng bộ, giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định.

Thủ tướng ví von, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. “Hội nghị lần này phải dùng mọi biệp pháp để mang cả 3 con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởg cao nhất”, Thủ tướng nói.

Về điều hành công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý, không chỉ để phòng thủ mà còn phải tiến công phát triển, nhanh và bền vững. Hiện, dư địa tài khóa, tiền tệ còn khá lớn, nên cần thống nhất chú trương điều hành linh hoạt, vì tổng thể nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, kế hoạch giải ngân vốn ODA đạt thấp. Nếu giải ngân tốt thì sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn, tạo động lực tăng trưởng.

Thủ tướng nhận định, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp kích cầu nội địa, mở rộng xuất khẩu.

Về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), Thủ tướng nhận định khó khăn thì các bộ, ngành, địa phương càng phải rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho DN .

"Đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. Đó là một thái độ phục vụ nhân dân, thái độ phục vụ trong phát triển DN các loại hình kinh tế, tìm cách hỗ trợ DN, HTX, hộ cá thể, làng nghề, một chương trình hậu kiểm động viên bà con làm nghề tốt hơn", Thủ tướng yêu cầu.

Về phát triển kinh tế đô thị, kinh tế xã hội, thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở. Thủ tướng cho biết có địa phương cả năm không có dự án nào khởi công.

Cuối cùng Thủ tướng nhấn mạnh đến việc làm thế nào thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, FDI. “Nhiều nguồn vốn FDI không vào Việt Nam mà sẽ sang Ấn Độ, Malaysia, Myanmar… nếu chúng ta không có điều kiện thu hút về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh. Nên các địa phương, nhất là các đầu tàu kinh tế lớn, khu vực kinh tế trọng điểm cần phát huy vai trò hơn nữa, giữ vững tăng trưởng”.

Thanh Hoa