CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Invest Global 14:11 29/07/2020

Ngày 28/7, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành tại địa phương nhằm tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện xử lý nợ xấu tại các TCTD theo Nghị quyết 42/2017/QH14 trên địa bàn TP.HCM.

Có những tài sản đảm bảo rơi vào nợ xấu phải định giá, giảm giá nhiều lần

TP.HCM: Xử lý gần 123.300 tỷ đồng nợ xấu 

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, kể từ khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến hết ngày 31/5/2020, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã được xử lý là 123.274 tỷ đồng. Trong số này, thu từ nguồn khách hàng trả nợ là 32.583 tỷ đồng; các TCTD nhận tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ trả nợ 525 tỷ đồng; bán, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ 1.503 tỷ đồng; bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) 429 tỷ đồng; bán cho các tổ chức khác 5.536 tỷ đồng và xử lý theo hình thức khác trên 6.000 tỷ đồng. 

Cũng theo báo cáo, việc xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 tại các TCTD ở TP.HCM hiện nay là gần 18.500 tỷ đồng. Các TCTD cũng đã xử lý được khoảng 58.165 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt. 

Theo nhận xét của Sở Tư pháp TP.HCM, hoạt động xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 mặc dù đạt được khá nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình xử lý vẫn diễn ra chậm và gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý nợ chủ yếu được các bên tiến hành theo hình thức thông thường, tức là đôn đốc khách hàng trả nợ và mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC. Việc xử lý nợ thông qua thủ tục rút gọn là không đáng kể. Vì vậy có thể cho rằng việc áp dụng triệt để các quy định của Nghị quyết 42 vào xử lý nợ xấu là chưa cao và chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng, hiện nay những vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn nằm ở khâu xử lý, thu giữ tài sản đảm bảo. Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá TP.HCM cho rằng, thực tế kết quả những cuộc bán đấu giá thành công tài sản đảm bảo nợ chỉ chiếm khoảng 50%. Nhiều gói tài sản đảm bảo nợ xấu phải định giá, giảm giá nhiều lần, nhưng do tâm lý e ngại của nhà đầu tư nên việc bán thành công là rất khó khăn. Chưa kể thành phần tài sản đảm bảo nợ đối với nhiều khoản nợ xấu là rất phức tạp, bao gồm nhiều loại hình tài sản như xe cộ, nhà cửa, máy móc, hàng hóa nên việc định giá và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục luôn mất nhiều thời gian, chi phí.

Quy trình rút gọn tại tòa tiếp tục phát sinh khó khăn

Ông Trần Đình Cường – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, hiện nay việc thu giữ tài sản đảm bảo vẫn là vướng mắc chính, khiến các TCTD trên địa bàn khó tiến hành xử lý nhanh các khoản nợ xấu. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu Nghị quyết 42 được Quốc hội xem xét “luật hóa” thì cần tính đến việc mở rộng phạm vi, quyền hạn và quy định cụ thể hơn, tạo sự chủ động nhiều hơn cho các TCTD trong khâu thu giữ tài sản đảm bảo nợ. 

Đối với các thủ tục rút gọn ở tòa án, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, thời gian qua rất nhiều trường hợp các khoản nợ xấu đang được xử lý theo Nghị quyết 42, nhưng phát sinh các đơn kiện của bên thứ 3 buộc phải dừng lại. Nhiều bên liên quan đến quyền lợi tài sản đã lợi dụng những kẽ hở của Nghị quyết 42 và các luật liên quan cố tình gửi đơn ra tòa chỉ nhằm mục đích kéo dài, dây dưa trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu. Vì thế, nếu được sửa đổi, “luật hóa” thì các quy định về điều kiện tiếp nhận đơn kiện của bên thứ 3 trong quá trình xử lý nợ xấu cũng cần được tính đến và quy định cụ thể đối với ngành Tòa án để thực hiện thống nhất.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành làm việc, ghi nhận về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sau 3 năm triển khai. Sắp tới đây các buổi làm việc tương tự sẽ được tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác. 

Ông Dương Quốc Anh đánh giá cao những kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 mà hệ thống ngân hàng cũng như các cơ quan, ban, ngành tại TP.HCM đã phối hợp thực hiện được trong suốt 3 năm vừa qua. Đồng thời ghi nhận từ khi có Nghị quyết 42 nhiều TCTD trên địa bàn TP.HCM đã xử lý giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn vốn và lành mạnh về tài chính. 

Theo ông Dương Quốc Anh, trong vòng 2 năm tới, Nghị quyết 42 sẽ tiếp tục được triển khai trên cả nước. Những vướng mắc cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực sẽ tiếp tục được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận để bổ sung, sửa đổi nhằm triển khai hiệu quả hơn đối với hoạt động xử lý nợ trên thực tế. Sau khi kết thúc 5 năm giai đoạn thí điểm rất có thể Nghị quyết 42 sẽ không được Quốc hội kéo dài thời gian mà sẽ xem xét để luật hóa, bổ sung vào các luật liên quan hoặc ban hành một văn bản luật mới dành riêng cho việc xử lý nợ xấu.