CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên

Invest Global 16:06 13/10/2021

Theo các chuyên gia, hiện dư địa chính sách tiền tệ đã cạn kiệt khi mà lãi suất điều hành của NHNN ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây; mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng đứng ở mức rất thấp, khó có thể cắt giảm thêm.

Trong cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) đề nghị có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp hội viên ngành này được tiếp cận vốn với lãi suất thấp để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm chủ yếu là DNNVV, có hoạt động xuất khẩu và ngành nghề liên quan nông nghiệp nông thôn. Đây đều là những lĩnh vực thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của NHNN bao gồm: nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ là 4,5%/năm.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, xác định lương thực thực phẩm là mặt hàng thiết yếu nên hàng năm NHNN Việt Nam luôn chỉ đạo các TCTD đáp ứng đầy đủ vốn vay với lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn, vừa qua NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo…

Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, các TCTD tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng hơn 70 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ thóc, gạo; đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế hơn 93 nghìn tỷ đồng để thu mua hơn 12 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 đạt khoảng 56 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 80% hạn mức tín dụng được cấp và tăng hơn 30% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.

Không chỉ vậy, ngay khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, đặc biệt là đợt dịch thứ tư gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, NHNN cũng đã nhanh chóng sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN bằng Thông tư 03/2021/TT0-NHNN và mới đây là Thông tư 14/2021/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, Agribank đang triển khai gói tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND lãi suất 3,7%/năm dự kiến giải ngân đến hết 30/11/2021. Hay như VietinBank đang triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 4%/năm dành riêng cho các doanh nghiệp có trụ sở và cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh, thành phía Nam…

Theo đó, tính đến 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 520.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 1,14 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,6 triệu tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021 đạt trên 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.

Quay trở lại với chính sách tín dụng ưu đãi đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một định hướng đúng để hướng dòng tín dụng tập trung vào sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực cần khuyến khích theo chỉ đạo của Chính phủ. Không chỉ tập trung tín dụng mà các lĩnh vực này còn được hưởng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khác.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, thời gian qua các ngân hàng đều hướng dòng tín dụng tập trung đầu tư cho các lĩnh vực này. Nhờ đó, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng tín dụng chung. Đặc biệt, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh, ở mức 19,02%.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện dư địa chính sách tiền tệ đã cạn kiệt khi mà lãi suất điều hành của NHNN ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây; mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng đứng ở mức rất thấp, khó có thể cắt giảm thêm. Nếu cắt giảm lãi suất xuống sâu hơn có thể sẽ khiến dòng tiền gửi đảo chiều chảy vào các kênh đầu cơ thì còn nguy hiểm hơn khi nó tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quy mô tín dụng trong nền kinh tế đang rất lớn. Hiện dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Một rủi ro nữa là nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng dưới tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các TCTD hiện nay là việc mở rộng tín dụng phải đi kèm với chất lượng tín dụng. “Ngân hàng có thể giảm lãi suất, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.

Tài chính - Tín dụng