CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tốc độ, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại

Invest Global 11:12 08/08/2022

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhận định thời gian qua, tốc độ, chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang có xu hướng chững lại.

(TBTCO) - Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, bên cạnh các giải pháp tài khóa, tiền tệ thì trụ cột thứ 5 là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Song, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định thời gian qua, tốc độ, chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang có xu hướng chững lại.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tốc độ, chất lượng cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thời gian vừa qua?

Tốc độ, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại TS. Nguyễn Minh Thảo

TS. Nguyễn Minh Thảo: Theo đánh giá của chúng tôi, gần như trong 2 năm vừa qua, áp lực cải cách này đang chững lại, cả từ trên cũng như từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có thể trong bối cảnh khó khăn, mọi người lo phòng chống dịch, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, những chia sẻ, hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng giảm bớt.

Do đó, áp lực từ phía doanh nghiệp, phía Chính phủ, từ các đơn vị nghiên cứu độc lập cũng giảm dần. Điều đó khiến cho các bộ ngành chậm lại trong việc cải cách, thậm chí là có xu hướng khôi phục lại một số những công cụ quản lý trước đây họ đã tháo bỏ. Qua theo dõi, chúng tôi thấy tốc độ cải cách, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh đang chậm lại và thậm chí có xu hướng giảm đi so với thời gian trước.

PV: Xin bà cho biết cụ thể hơn về xu hướng khôi phục lại các công cụ quản lý? Làm thế nào chúng ta thay đổi được xu hướng cải cách chậm lại này?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Như quan sát của tôi, một số văn bản trong dự thảo của các bộ ngành đang có xu hướng thắt chặt hơn trong việc quản lý và việc họ lập luận tại sao đưa thêm yêu cầu về quản lý thì chưa thực sự thuyết phục. Chẳng hạn như dự thảo thông tư của Bộ Công thương quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại mà báo chí đã phản ánh gần đây. Dự thảo này mặc dù có chứa nội dung về điều kiện kinh doanh nhưng lại ẩn chứa trong các nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Điều này cũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Thay vì đưa điều kiện kinh doanh vào Nghị định thì lại lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở cấp Thông tư.

Để khắc phục điều này cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn của Chính phủ để các bộ ngành có áp lực tránh đưa ra quy định tránh gây khó cho doanh nghiệp. Nếu như Chính phủ không tạo ra áp lực mạnh mẽ, liên tục, thường xuyên thì khó tạo áp lực cho các bộ ngành tiếp tục nỗ lực cải cách.

Tốc độ, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại

Nguồn: Bộ Nội vụ

PV: Trong Nghị quyết 02 của Chính phủ có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh để đưa ra phương án, đề xuất đơn giản hóa, cắt bỏ? Hiện việc tự rà soát này đang được tiến hành như thế nào, thưa bà?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Theo quan sát của chúng tôi thì trong nửa đầu năm vừa qua dường như không có động thái nào liên quan đến việc rà soát, cắt giảm này. CIEM đang có nghiên cứu độc lập rà soát các điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực và chúng tôi nhận thấy còn vô số điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không hiểu ý nghĩa quản lý nằm ở đâu.

Hiện nay trong danh mục của Luật Đầu tư có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng khi rà trên thực tế các văn bản luật liên quan khác thì con số lớn hơn rất nhiều. Tên của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư còn bao trùm nhiều ngành nghề nhỏ bên trong nữa. Điều đó cho thấy dù chúng ta đã có cải cách rồi, nhưng cải cách mới chỉ một phần nhỏ, đôi chỗ chưa thực chất. Chúng ta mới cố gắng cắt giảm về mặt cơ học để nhìn thấy con số giảm bớt nhưng thực tế con số này lớn hơn nhiều.

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 đã có một đợt cắt giảm mạnh nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không rõ yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, gần đây, các bộ ngành cho rằng đã cắt giảm hết, các điều kiện còn lại đều rất cần thiết, nên các bộ ngành chưa có động thái rõ rệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Cần cơ chế linh hoạt để thực hiện cải cách

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, cán bộ thực thi hiện có tâm lý rất lo ngại rủi ro khi đưa ra quyết định theo hướng tạo thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi rủi ro chính sách lúc này không phải về phía doanh nghiệp mà là cho cán bộ thực thi. Các văn bản hiện nay chưa đảm bảo an toàn cho cán bộ thực thi, nên ở các địa phương chúng tôi đi khảo sát, các cơ quan, cán bộ quản lý chú trọng việc đảm bảo an toàn cho chính mình hơn. Áp lực chưa đủ lớn đã đành, bản thân cơ chế cũng chưa tạo được sự linh hoạt để việc cải cách được thực hiện.

PV: Một trong các trụ cột quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bà đánh giá việc thực hiện trụ cột này như thế nào và đang có những trở ngại gì trong việc thực hiện?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Tôi cho rằng đây là một trụ cột phi tài chính rất quan trọng trong chương trình phục hồi kinh tế. Nó không chỉ đem lại hiệu quả ngay tức thì cho doanh nghiệp mà còn mang tính chất bền vững, dài hạn. Chúng ta chú trọng nhiều đến những gói hỗ trợ về tài chính, trong khi các gói này đi vào cuộc sống còn có khoảng cách lớn. Khi làm việc với các doanh nghiệp ở nhiều địa phương, cảm nhận của tôi là dường như doanh nghiệp thiếu đi niềm tin với những gói hỗ trợ như vậy.

Các bộ ngành sẽ khó cải cách nếu thiếu đi áp lực từ phía Chính phủ, cộng đồng và các bên liên quan. Thời gian gần đây còn có hiện tượng khi đưa ra các yêu cầu về cải cách thì có sự kháng cự lớn từ các bộ, ngành. Ở các địa phương, trong lời nói, chỉ đạo, văn bản cũng rất coi trọng việc cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ lời nói đến hành động có sự cách biệt lớn. Dường như quyết tâm này mới chỉ thể hiện ở lời nói và các văn bản, thực tế các doanh nghiệp chưa cảm nhận được.

Bên cạnh đó, cán bộ thực thi hiện có tâm lý rất lo ngại rủi ro khi đưa ra quyết định theo hướng tạo thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Không hẳn cán bộ quản lý không muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà vì cơ chế hiện nay không bảo vệ việc thực thi cho họ. Nếu vì sự thuận lợi cho doanh nghiệp, vì sự phát triển của địa phương mà họ thực hiện theo luật này thì có thể lại sai với luật khác, nên có rủi ro lớn về mặt pháp lý cho cán bộ thực thi. Vì thế, một văn bản trước đây 1 sở ngành thực hiện, thì giờ phải lấy ý kiến tất cả các bộ ngành. Đó là thực tế phổ biến ở các địa phương mà chúng tôi đi khảo sát. Để thay đổi điều này cần sự tham gia của cả Chính phủ và Quốc hội vì có nhiều nội dung quy định nằm ở các luật.

PV: Xin cảm ơn bà!

Cải cách thể chế làm dịu mối nguy lạm phát

Trong báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 do CIEM thực hiện và công bố mới đây, mối lo lạm phát là nguy cơ lớn đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, song cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh có thể là chìa khóa để giảm nỗi lo này.

Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, dù lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức tương đối thấp 2,44% trong 6 tháng đầu năm, nhưng áp lực điều hành lạm phát dự báo gia tăng trong các tháng cuối năm. Mặc dù vậy, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% không phải là không thể. Trong đó, một điều kiện bắt buộc là phải song hành với cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Chuyên gia CIEM kiến nghị đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là nhóm giải pháp thứ 5 trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. “Không thể chờ đợi phục hồi rồi mới cải cách, mà cần thực hiện ngay trong quá trình phục hồi. Bối cảnh 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới”- TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khuyến nghị.

Môi trường kinh doanh