CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trái phiếu Chính phủ chuyên biệt và hành trình 12 năm "tròn" vai công cụ tái cơ cấu nợ công

Invest Global 08:23 27/09/2021

Nhìn lại chặng đường 12 năm hoạt động và phát triển, đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa nhà đầu tư...

Ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đến nay, thị trường này đã ổn định, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

LÃI SUẤT THẤP KỶ LỤC, TRÁI PHIẾU VẪN ĐẮT HÀNG

HNX cho biết, trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020.

 

Trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng đã được huy động cho ngân sách nhà nước. Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp nợ công giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 34,8% năm 2021.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Về phương thức phát hành, Kho bạc Nhà nước tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tổ chức phát hành trái phiếu. Sắp tới đây, phương thức đấu thầu đa giá sẽ được triển khai chính thức nhằm tạo thêm tính linh hoạt trong việc xác định kết quả đấu thầu.

Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Qua từng năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô.

Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm, giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021.

Lãi suất huy động vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, 2021.  

Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành của trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng. Kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2-3 năm năm 2009 lên 12,2 năm vào năm 2021, thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

“Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp nợ công giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 34,8% năm 2021”, HNX nhấn mạnh.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu Chính phủ không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tổng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009.

Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng mạnh từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009, lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường, HNX cho biết, trên thị trường sơ cấp, ngoài sản phẩm cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ (standard/long/short coupon), còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ.

“Việc đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành từ 3 tháng đến 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đã góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước, tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững, và hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu”, HNX nhận định.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM, KHÔNG NGỪNG NÂNG CẤP HỆ THỐNG

Trên thị trường thứ cấp, ngoài hai sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm hai sản phẩm Repos gồm vay trái phiếu, bán kết hợp với mua lại được giới thiệu ra thị trường.

Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2019 và mới đây là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm ra mắt vào tháng 6/2021, bổ sung thêm công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, tháng 7/2021, sản phẩm mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân sách nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã được triển khai chính thức, tạo thêm một kênh mới, giúp các chủ sở hữu có thể bán lại trái phiếu Chính phủ cho Kho bạc Nhà nước, lần đầu tiên mở ra cơ chế cho phép Kho bạc Nhà nước trở thành nhà đầu tư có thể mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp do chính tổ chức này phát hành.

Ngoài ra, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường đã được cải thiện theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức khác.

Về hệ thống chỉ báo thị trường, HNX đã ra mắt đường cong lợi suất vào tháng 3/2013 và bộ chỉ số trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau vào tháng 1/2015. Đến nay, hai hệ thống chỉ báo này đều phát huy vai trò tích cực trong việc định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp cho nhà đầu tư và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch trên thị trường.

Bên cạnh đó, tính đến hiện tại, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức vận hành thị trường trái phiếu Chính phủ đã hoàn thiện, điện tử hóa toàn bộ các nghiệp vụ...

Trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành thị trường. HNX đã nỗ lực trong công tác đầu tư, nâng cấp Hệ thống giao dịch theo hướng bám sát nhu cầu và hỗ trợ tốt cho các hoạt động đa dạng của thị trường trên một nền tảng công nghệ hiện đại.

Trên thị trường sơ cấp, các kỹ thuật phát hành như phát hành bổ sung, hoán đổi trái phiếu Chính phủ đã được áp dụng nhằm giảm số lượng mã trái phiếu niêm yết, tăng quy mô của một mã trái phiếu, tăng thanh khoản của thị trường, góp phần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn.

Trên thị trường thứ cấp, thông qua cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, đã bảo đảm chế độ báo cáo kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn, Trong thời gian tới, các nhà tạo lập thị trường sẽ được quy định thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều nhằm tạo thanh khoản, tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp.

Để phát triển thị trường trong những năm tới, HNX cho biết sẽ bám sát các quan điểm phát triển của thị trường chứng khoán trong giai đoạn mới, với định hướng phát triển cả về quy mô và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cũng như tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trên thị trường sơ cấp, HNX tập trung vào các mục tiêu như tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư, tăng quy mô các mã trái phiếu và công bố các mã trái phiếu chuẩn trên thị trường. Tiếp tục đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài trên 5 năm.

Đồng thời, linh hoạt phát hành các kỳ hạn ngắn như tín phiếu, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 1-3 năm. Chủ động nghiệp vụ hoán đổi, mua lại để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nhằm kéo dài kỳ hạn còn lại và giảm đỉnh nợ, giãn áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, HNX nghiên cứu tăng cường vai trò của nhà tạo lập thị trường trái phiếu Chính phủ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển cơ sở nhà đầu tư dài hạn như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm liên kết, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới tham gia đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam nói chung, trái phiếu Chính phủ xanh nói riêng.

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, được Bộ Tài chính phân công quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong thời gian tới, HNX sẽ tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cả về chính sách, về sản phẩm, về giám sát thị trường và đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư.