CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc sắp phải gắn mã QR

Invest Global 09:00 16/01/2021

(TBKTSG Online) - Cơ quan chức năng Trung Quốc đang tiến hành các thủ tục để yêu cầu các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam phải gắn mã QR (QR Code) khi đưa hàng hóa vào thị trường này. Quy định này của Trung Quốc cũng nhằm siết chặt nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước này trong thời gian gần đây.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã cho biết như vậy tại Hội nghị “Hiệp định RCEP và UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam và khu vực ra thị trường thế giới” được tổ chức tại TPHCM vào sáng 15-1.

Siết nông sản nhập khẩu

Theo ông Nguyên, trong chuyến công tác sang Trung Quốc cách đây vài ngày, ông đã nhận được thông tin phía Trung Quốc cho hay đang chuẩn bị thủ tục để yêu cầu các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam phải gắn mã QR khi đưa hàng hóa vào thị trường này. Cán bộ hải quan phía Trung Quốc sẽ quét mã QR này để kiểm tra các thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mã vùng trồng, các tiêu chuẩn chất lượng… trước khi quyết định cho phép thông quan.

Trước đó, trong năm 2019, Trung Quốc đã buộc các nhà xuất khẩu nông sản Thái Lan phải gắn mã QR cho hàng hóa vào nước này. Yêu cầu này nhằm hạn chế tình trạng “mượn” mã vùng trồng, mượn giấy phép xuất khẩu hay khai gian chất lượng hàng hóa…

Sắp tới, nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc phải được gắn mã QR Code. Ảnh: Minh Ngọc.

Theo ông Nguyên, yêu cầu của phía Trung Quốc này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn khi xuất khẩu hàng hóa vào nước này, nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với môi trường kinh doanh thương mại điển tử (e-commerce), như dán tem điện tử, truy xuất nguồn gốc… cho hàng hóa. Hiện tại trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc dù đã được triển khai ở một số doanh nghiệp nhưng chưa được quan tâm nhiều. 

Nhận xét về yêu cầu gắn tem truy xuất nguồn gốc từ phía thị trường nhập khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho rằng, Việt Nam có hàng triệu hộ nông dân canh tác trên những mảnh vườn có diện tích nhỏ nên việc quản lý nguồn gốc xuất xứ nông sản rất khó. Những doanh nghiệp nông nghiệp quy mô nhỏ, hộ nông dân... gặp khó khi đầu tư vào các quy trình kỹ thuật có liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật cao... Chưa kể đến, chi phí cho các hoạt động đầu tư này cũng rất tốn kém. 

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hẳn cũng không bị "sốc" vì yêu cầu gắn mã QR của Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các quy định nhằm siết chặt hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường này và sẽ còn nhiều quy định khác nữa liên quan đến chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã có chuẩn bị trước, sẵn sàng thay đổi để phù hợp với quy định của đối tác. 

Vẫn còn những cơ hội từ RCEP

Điều thuận lợi cho nông sản Việt Nam khi hiệp định RCEP có hiệu lực là một số loại trái cây sẽ có lợi thế để tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn. Ví dụ như sầu riêng, hiện Trung Quốc đang cho phép nhập khẩu sầu riêng chính ngạch từ Thái Lan nhưng lại siết nhập khẩu tiểu ngạch từ Việt Nam và cho đến nay nước này vẫn chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch sản phẩm này từ Việt Nam.

“Trong thời gian tới, Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng từ Thái Lan như thế nào thì theo quy định của RCEP, cũng phải cho phép nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tương tự như vậy. Các loại trái cây khác cũng vậy. Hiện Trung Quốc chỉ mới cho phép nhập khẩu chính ngạch 10 loại trái cây từ Việt Nam, những loại khác đang phải rất vất vả để tìm cách đưa hàng hóa vào Trung Quốc”, ông Tùng nói.

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng khi RCEP có hiệu lực sẽ mang lại cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. 

Ngoài việc mở cửa cho các nước thành viên RCEP về thương mại, dịch vụ, hiệp định này áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được cho phép. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN nhưng nó đã làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cụ thể hóa điều này, ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục vùng 1 (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển và nông thôn) cho biết, trong các thành viên RCEP, Việt Nam đã có FTA với hai đối tác nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chưa ký FTA với Trung Quốc. Hiện tại, một số loại hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của FTA nhưng các mặt hàng tương ứng khi vào Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế cao hơn.

Việt Nam vẫn đang đàm phán để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nam Bình

Đến khi nào RCEP có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào hai thị trường này cũng sẽ được áp dụng các ưu đãi thuế quan tương tự Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa từ Trung Quốc vốn có mẫu mã đẹp và giá rẻ hơn. Ngoài ra, các nước thành viên RCEP như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng có các sản phẩm nông nghiệp tương đồng với Việt Nam nên cạnh tranh xuất khẩu sẽ càng gay gắt hơn.

Khung pháp lý