CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trồng rừng gỗ lớn - 'Cách mạng' chuyển đổi tư duy: (Bài 1) Lợi ích kép

Invest Global 09:18 21/10/2020

Trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh Thanh Hóa cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế, việc sản xuất đang gặp những khó khăn nhất định.

Năm 2013, ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn 6 xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) sang xã Xuân Bình và một số xã lân cận mua 40 ha đất trống để trồng keo. Chỉ sau 4-5 năm gia đình ông Khánh đã có keo nguyên liệu thu hoạch.

Theo ông Khánh, trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kép, hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Khánh, ở vùng đất này, keo trồng 5 năm sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn/ha. Tính ra, 10 ha keo ông đã thu hoạch đem về cho gia đình gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính tất tần tật công đầu tư bao gồm giống, phân, công thuê đào hố, trồng, phát sẻ và thu hoạch, vận chuyển thì ông lãi ròng khoảng 40% tổng giá trị keo nguyên liệu bán ra. Có nghĩa là, 10 ha keo, sau 5 năm gia đình ông chỉ lãi trên 300 triệu đồng, tức là 6 triệu đồng/ha/năm.

Trong số diện tích trồng keo của gia đình mình, hiện ông có 5 ha chuyển hóa sang rừng gỗ lớn. Thời điểm trồng, gia đình ông trồng với mật độ 1,6 nghìn cây/ha. Đến nay, keo đến tuổi thứ 7, ông tỉa thưa bán keo nguyên liệu và chỉ để lại 500 cây/ha. Theo ông Khánh, chỉ 3-4 năm nữa, 5 ha keo này của ông sẽ cho nguồn thu từ 600-700 triệu đồng.

“Bắt đầu năm thứ 5 chúng tôi tỉa thưa để bán keo nguyên liệu. Nguồn thu này đủ để bù lại tất tần tật công đầu tư ban đầu, công khai thác. Phần còn lại, đến tuổi thứ 10 bán sẽ là phần lãi ròng của người trồng rừng, tương ứng với khoảng 650 triệu đồng/5ha/10 năm. Hiệu quả là thấy rõ khi chúng ta chỉ mất chi phí giống 1 lần, khai thác 1 lần” – ông Khánh phân tích.

Chính vì thấy rõ hiệu quả kinh tế như vậy nên, hàng năm ông Khánh chỉ khai thác một phần diện tích bán keo nguyên liệu còn một phần chuyển sang chăm sóc để phát triển rừng gỗ lớn. Không chỉ ông Khánh mà hiện nay, một số chủ rừng tại huyện Như Xuân cũng đã chuyển đổi dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

 

Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, việc trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn tại tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các địa phương có diện tích rừng gỗ lớn nhiều như Như Xuân, Như Thanh, Lang Chánh... Dù hiện nay, tỉnh chưa có nhiều chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn nhưng một số huyện đã có đề án phát triển rừng gỗ lớn, cân đối nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ người trồng rừng.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 160 nghìn ha rừng trồng. Trong số này có 56 nghìn ha rừng gỗ lớn (trồng mới 53.600 ha, chuyển hóa 2.400 ha). Các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta...

Việc trồng rừng gỗ lớn tập trung đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người trồng rừng. Nhiều hộ đã chuyển dần phương thức trồng rừng quảng canh sang trồng thâm canh có bón phân. Các giải pháp chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được chú trọng nên năng suất rừng trồng đã tăng lên đáng kể, đạt 18 - 20 m3/ha/năm (chu kỳ kinh doanh 10 -12 năm), tăng 3 - 5 m3/ha/năm so với năm 2015.

Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa trồng mới trên 10 ngàn ha rừng tập trung, 2 triệu cây phân tán các loại, đưa độ che phủ rừng từ 52,8% năm 2015 lên 53,4% năm 2019. Sản lượng khai thác gỗ tăng từ 404 ngàn m3 năm 2015 lên 715 ngàn m3 năm 2019 (tăng 77%). Giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp năm 2018 đạt 1.724 tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng so với năm 2015. Tại Thanh Hóa, bước đầu đã hình thành mối liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.

“Trên cùng một diện tích rừng thì việc kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh chỉ kéo dài thêm khoảng từ 5-7 năm so với gỗ nhỏ nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5 – 3 lần. Trồng rừng gỗ lớn cũng giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng nên giảm xói mòn, rửa trôi đất, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Lợi ích kinh tế từ phát triển gỗ lớn đã được khẳng định và đang từng bước xã hội hóa theo chiều sâu...” – ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.