CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trung Quốc: nhiều doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, giới đầu tư lo lắng

Invest Global 09:51 24/11/2020

(TBKTSG Online) – Liên tiếp các vụ vỡ nợ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian gần đây ở Trung Quốc khiến giới đầu tư bất an. Trong khi đó, giới chức trách cũng sốt sắng điều tra nhằm ngăn chặn các rủi ro lây lan trong hệ thống tài chính.

Ba tập đoàn vỡ nợ trong chưa đầy một tháng

Trong những tuần gần đây, ba vụ vỡ nợ trái phiếu liên doanh đến DNNN Trung Quốc gồm Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng, Tập đoàn ô tô Huachen, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup, gây hoang mang trong cộng đồng đầu tư.

Vụ vỡ nợ trái phiếu của Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng, một DNNN ở tỉnh Hà Nam gây sốc cho giới đầu tư. Ảnh: Caixing Global

Hôm 23-10, Tập đoàn ô tô Huachen vỡ nợ lô trái phiếu có trị giá 1 tỉ nhân dân tệ. Huachen gặp khó khăn về nợ nần và thua lỗ vì tình hình kinh doanh yếu kém từ những thương hiệu xe của hãng này. Đến ngày 10-11, Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng ở tỉnh Hà Nam cũng vỡ nợ.

Dù được hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin (Trung Quốc) đánh giá tín nhiệm nợ ở mức AAA, Yongcheng vẫn không thể trả lãi suất và nợ gốc trái phiếu trị giá 1 tỉ nhân dân tệ vào ngày đáo hạn.

Đến hôm 16-11, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup, nhà phát triển và sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc, rơi vào số phận tương tự. Hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin cho biết Tsinghua Unigroup vỡ nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ ở trong nước, trị giá 1,3 tỉ nhân dân tệ sau khi không đạt được thỏa thuận gia hạn trả nợ với các chủ nợ. China Chengxin đã hạ bậc tín nhiệm nợ của hãng công nghệ này từ mức AA về BBB .

Bấy lâu nay, trái phiếu DNNN Trung Quốc được xem là rất an toàn vì các doanh nghiệp này thường được chính quyền địa phương hậu thuẫn tài chính nếu gặp khó khăn.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu ở các DNNN là câu chuyện hiếm hoi.

Năm ngoái, Tập đoàn Giản Giới (Tewoo), một công ty giao dịch hàng hóa lớn thuộc sở hữu của chính quyền TP. Thiên Tân, là DNNN đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ trong vòng hai thập kỷ qua.

Do vậy, ba vụ vỡ nợ của DNNN trong vòng chưa đến một tháng đã làm rung chuyển thị trường tín dụng ở Trung Quốc, gây bất an cho giới đầu tư, dẫn đến cú bán tháo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.

Làn sóng vỡ nợ lần này cũng khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hủy các đợt phát hành trái phiếu mới. Kể từ khi Huachen vỡ nợ vào ngày 23-10 cho đến ngày 19-11, có ít nhất 59 công ty đã hủy kế hoạch phát trái phiếu với trị giá tổng cộng 44,2 tỉ nhân dân tệ (6,72 tỉ đô la Mỹ) ở thị trường trong nước.

Bắc Kinh muốn chấn chỉnh nợ ở DNNN

Chang Li, chuyên gia phụ trách thị trường Trung Quốc ở hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global Ratings, cảnh báo: “Nhiều vụ vỡ nợ nữa sẽ xảy ra khi giới chức trách ở Trung Quốc nỗ lực giảm nợ ở các DNNN khi mà tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã qua”.

Ông nhận định vụ vỡ nợ của Yongcheng là bước ngoặt đối với những bên tham gia trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Chang cho rằng vụ vỡ nợ của Yongcheng gây sốc cho thị trường vì cho thấy xu hướng hỗ trợ của chính quyền địa phương cho các DNNN đã đảo chiều. Chính điều này đã làm tăng tốc làn sóng bán tháo trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.

Làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu Trung Quốc khiến chỉ số lãi suất trái phiếu kỳ hạn ba năm của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm nợ AA ở nước này tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng. Ảnh: Bloomberg

Ông nói: “Thị trường thấy rằng vụ việc của Yongcheng là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng tốc các nỗ lực cải cách và giảm nợ ở các DNNN khi nền kinh tế đang phục hồi”.

Nhà kinh tế Zhaopeng Xing ở bộ phận nghiên cứu kinh tế và thị trường Trung Quốc của Ngân hàng ANZ, nhận định: “Vụ vỡ nợ của Yongcheng khiến giới đầu tư lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc bởi vì nó phá vỡ giả định từ lâu rằng chính quyền ngầm bảo đảm cho trái phiếu của các DNNN”.

Vụ vỡ nợ của Yongcheng đặt ra các nghi ngờ về mô hình phổ biến ở thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc, nơi các ngân hàng đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp đang vay nợ từ họ để rồi sau đó, những doanh nghiệp này sử dụng nguồn tiền thu được để trả nợ cho ngân hàng.

Trong trường hợp của Yongcheng, ba ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng là chủ nợ của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất và năng lượng Hà Nam, công ty mẹ của Yongcheng.

Một nhà quản lý quỹ đầu tư trái phiếu giấu tên nói: “Một số ngân hàng thậm chí bảo lãnh phát hành trái phiếu cho những công ty mà họ không sẳn sàng cho vay nợ”.

Wang Qian, giáo sư chuyên ngành tài chính ở Đại học Đồng Tế (Trung Quốc), nói các doanh nghiệp Trung Quốc nên phát hành hành trái phiếu để đầu tư cho hoạt động kinh doanh, thay vì trả nợ.

Vụ vỡ nợ trái phiếu được xếp hạng AAA của Yongcheng càng làm tổn hại danh tiếng ngành kinh doanh xếp hạng tín dụng của Trung Quốc. Wang Qian cho biết hơn 90% vụ vợ nợ trái phiếu ở Trung Quốc xảy ra ở các doanh nghiệp được xếp hạng A, AA hoặc AAA vào thời điểm vỡ nợ.

Ligang Liu, nhà kinh tế trưởng ở Citi Research, nói rằng nếu các hãng xếp hạng tín dụng Trung Quốc không thể đánh giá đúng đắn mức độ tín nhiệm nợ của doanh nghiệp thì ở một mức độ nào đó, “họ đang lừa dối giới đầu tư”.

Điều này phần nào giải thích tại sao giới đầu tư trên toàn cầu đua nhau mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong năm nay nhưng phần lớn họ tránh xa trái phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc vốn có mức lãi suất cao hơn.

Giới chức trách vào cuộc

Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức thị trường tài chính quốc gia (NAFMII), một tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), đang điều tra các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng tín dụng và các công ty kiểm toán liên quan đến vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng.

Hôm 18-11, NAFMII  cho biết phát cho biết phát hiện bằng chứng cho thấy Công ty chứng khoán Haitong và các công ty con đã hỗ trợ Yongcheng phát hành trái phiếu trái pháp luật cũng như thao túng thị trường.

Liên quan đến vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng, NAFMII cũng đang điều tra nghi vấn sai phạm của Ngân hàng Công nghiệp (IBC), Ngân hàng China Everbright, Ngân hàng Zhongyuan cũng như hãng xếp hạng tín dụng Chengxin và hãng kiểm toán Xigema. IBC, China Everbright và Zhongyuan là các ngân hàng bảo lãnh thương vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng.

Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra về vụ vỡ nợ trái phiếu của Huachen. Ủy ban này nghi ngờ Huachen và các công ty trung gian liên quan vi phạm công bố thông tin và các quy định pháp luật khác.

Để trấn an thị trường, PBoC đã bơm 800 tỉ nhân dân tệ vào thị trường liên ngân hàng vào hôm 16-11.
Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo ngại và tiếp tục bán tháo trái phiếu của các doanh nghiệp ở các tỉnh có tình hình tài chính yếu kém của Trung Quốc như Liêu Ninh, Hà Nam, Sơn Tây.

“Vấn đề mà giới chức trách đối mặt là sự suy giảm tín nhiệm của các chính quyền địa phương là dạng rủi ro hoàn toàn mới và thị trường đang xoay sở định giá rủi ro đó. Lây nhiễm rủi ro đang lan rộng và có thêm nhiều công ty bị nghi ngờ về mức tín nhiệm nợ của họ”, " Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc ở Công ty Rhodium Group, nhận định.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu làm sứt mẻ niềm tin của giới đầu tư, đẩy tăng chi phí vay mượn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vì lãi suất tăng, gây sức ép cho đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Mới đây, Tập đoàn công nghệ TCL ở Quảng Đông hủy kế hoạch phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm với trị giá 1 tỉ nhân dân tệ vì “giá phát hành trái phiếu không đáp ứng kỳ vọng”, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đang yêu cầu mức lãi suất cao hơn mức mà TCL sẳn sàng chấp nhận.

Hôm 21-11, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc chủ trì cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp, ông khẳng định Trung Quốc sẽ không dung thứ cho các sai phạm trên thị trường trái phiếu để duy trì sự công bằng và trật tự sau khi hàng loạt DNNN bất ngờ vỡ nợ trái phiếu. Thông báo của cuộc họp cho biết các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ điều tra quyết liệt các rủi ro và mối nguy ẩn giấu, trong khi đó, vẫn duy trì thanh khoản dồi dào ở mức hợp lý, kiên quyết bảo vệ mục tiêu cuối cùng là loại bỏ các rủi ro trong hệ thống tài chính.
Thông báo nhấn mạnh các hành vi như gian lận trong phát hành trái phiếu, công bố thông tin sai sự thật, chuyển nhượng tài sản với ý đồ bất minh và lạm dụng tiền phát hành trái phiếu sẽ bị điều tra và xử phạt nghiêm ngặt. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng sẽ xử phạt nặng tất cả hình thức ‘trốn nợ’ trái phiếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới đầu tư.

 

Theo Reuters, CNBC, Nikkei Asian Review