CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

VEPR: Kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức

Invest Global 16:09 22/04/2021

Bên cạnh nhưng điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm, VEPR cũng cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc và rủi ro từ nội tại như: mất cân đối tài khoá lớn; Sức khoẻ hệ thống ngân hàng còn dễ tổn thương...

Tại Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2021, được tổ chức ngày 20/4, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế quý I/2021 ở mức 4,48% là một con số rất ấn tượng.

Kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 - 6,3%, những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng trong quý I/2021, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh là nhờ Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, việc kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại.

Ngoài ra, môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh nhưng điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm, VEPR cũng cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc.

Cụ thể, sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong toả tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, VEPR còn cho rằng điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ những rủi ro nội tại như: Mất cân đối tài khoá lớn; Tốc độ và mức đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tần còn chậm và cho hiệu quả quản lý thấp, sức khoẻ hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; Sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu…

Dù vậy, các chuyên gia dự báo trong năm 2021 sẽ hứa hẹn triển vọng kinh tế năng động trở lại với việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng – Nhà nước mới, với Chính phủ mới. Theo đó, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 - 6,3%.

“Dự báo trên là thận trọng so với các tổ chức quốc tế. Mức tăng trưởng này được xây dựng trên giả định rằng Việt Nam chưa thể mở cửa hoàn toàn với thế giới (du lịch, dịch vụ…). Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ xuất khẩu ấn tượng hiện nay”, ông Phạm Thế Anh nói.

Cảnh báo “bong bóng” tài sản, trong bức tranh chung của nền kinh tế, VEPR cảnh báo tình trạng tài sản của nhiều dấu hiệu bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Theo VEPR trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể. Điều này chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư và hộ gia đình. Song việc hạ lãi suất huy động tiền gửi liên tục do nhu cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng đang ngày càng nhanh hơn.

“Khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu”, VEPR cảnh báo và cho rằng, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe doạ vĩ mô, nhưng rủi ro đang tiếp tục tích luỹ.

Dựa trên tình hình hiện tại, VEPR cho rằng, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện này là chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.

Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuế đất cần tiếp tục được triển khai.

Ngoài ra các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng. Việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương và chịu tác động nặng nền nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Hoàng Hà