CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vì sao 'phá sản' mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?

Invest Global 15:34 20/10/2020

Mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2020... đã không đạt được, hay nói cách khác là "phá sản". Điều đó đặt ra vấn đề: doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có điều kiện tốt nhất để kinh doanh?

Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP. Kết quả cho thấy 50% mục tiêu của Nghị quyết không đạt, đó là các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp (DN).

Không đạt mục tiêu

Cụ thể, mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 35 là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước mới có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Ước đến tháng 10/2020, có khoảng 795.000 DN hoạt động. 

Nhiều chỉ tiêu về phát triển DN đã không đạt được vào năm 2020. 

Bộ KH&ĐT phân tích, số DN năm 2015 là 442.885, với mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN thì tốc độ tăng trưởng số DN hoạt động bình quân phải đạt 17,7%/năm. Thự tế, trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng số DN đang hoạt động là 14,4% và tốc độ tăng số DN thành lập mới là 10,5%, đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 tới nay, việc DN thành lập mới cũng gặp khó khăn, trong khi số DN giải thể, đóng cửa chờ giải thể có xu hướng tăng lên. Do đó, mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 trở thành bất khả thi. 

Theo Bộ KH&ĐT, tại thời điểm năm 2016, khi nghiên cứu xây dựng mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, Chính phủ kỳ vọng với các nhóm giải pháp hỗ trợ DN sẽ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, chưa đi vào cuộc sống. Mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các DN còn hạn chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN chưa đủ hấp dẫn…

Bên cạnh số lượng DN, các mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2020 cũng không đạt được. Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù chiếm đa số về số lượng nhưng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 chỉ dao động trong khoảng 43% GDP, đóng góp 46% vốn đầu tư toàn xã hội. Điều đó cho thấy, vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển sự đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế, đặt ra bài toán lớn cho các chiến lược và chính sách phát triển DN trong giai đoạn tới. Trong đó, nổi cộm lên là nhiệm vụ đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều DN thủy sản phản ánh về bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

"Trong khi đó, việc cấp giấy xác nhận sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với quản lý nhà nước. Quy định pháp lý của các nước khác không có yêu cầu này và thực tiễn thủy sản Việt Nam xuất khẩu hơn 20 năm qua chưa bị kiểm tra - xử phạt hay có vướng mắc nào về mã số, mã vạch đăng ký ở nước ngoài", ông Nam dẫn chứng. 

Nhà nước cần coi DN là khách hàng 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity, do hết đơn hàng nên từ ngày 25/8/2020, DN buộc tạm dừng hoạt động. Đến nay, DN vẫn chưa được là đối tượng của gói vay ưu đãi với lãi suất 0% để trả lương cho công nhân.

"Với tiêu chí của gói vay trả lương lãi suất 0%, có lẽ chỉ những DN "chết" mới đủ điều kiện được vay", ông Phong phàn nàn.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, DN thực tế vẫn phải chi phí đầu vào cao, điển hình như tiền thuê đất điều chỉnh đột ngột, tiền nguyên nhiên vật liệu, tiền thuê nhân công, chi phí không chính thức…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, áp lực chi trả cho đầu vào của các DN là rất lớn, vì vậy Ban IV cho biết, DN mong muốn các chính sách hỗ trợ tới DN phải nhanh hơn nữa. DN kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tăng định mức hỗ trợ đối với đào tạo trực tiếp, bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến...

Giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, thách thức và thời cơ từ đại dịch COVID-19 và các hiệp định thương mại tự do, Bộ KH&ĐT cho rằng, để khuyến khích phát triển DN tư nhân, các Bộ, ngành và địa phương cần phải đổi mới tư duy quản lý nhà nước về DN khu vực tư nhân. Theo đó, Nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý.

Nhà nước cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho DN khu vực tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần DN; phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030 là tốc độ tăng số DN hoạt động đạt khoảng 15%/năm, tăng tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% tổng số DN vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030. Có 15 DN tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2025 và 20 DN tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Trần Duy Đông

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

Các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DN vừa và nhỏ giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tối đa khoảng cách này, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển DN trong giai đoạn tới.

Bà Nguyễn Minh Thảo

Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Những đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh luôn là chủ đề nóng. Nhiều kiến nghị mà DN đưa ra đã được các Bộ, ngành cải cách nhưng còn ít, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Tại một hội nghị về thu hút đầu tư trong ASEAN mới đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn phản ánh Việt Nam là nước có thủ tục tục đầu tư cao nhất.

Ông Trần Khắc Tâm

Chủ tịch Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng

Doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế thông thoáng, thuận lợi để kinh doanh. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của DN là Chính phủ tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục phiền hà để rút ngắn thời gian thực hiện chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để DN thực hiện sứ mệnh của mình.

Lê Thúy 

 

Doanh nghiệp - Doanh nhân