CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam có chính sách cụ thể nào để thu hút FDI thế hệ mới?

Invest Global 08:49 26/09/2024

Việt Nam có nhiều thay đổi liên quan đến đất đai, nguồn nhân lực và năng lượng để thu hút các nhà đầu tư, dòng vốn FDI thế hệ mới.

Chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì phiên đối thoại tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5.

Trả lời câu hỏi Việt Nam có chính sách cụ thể nào để thu hút các doanh nghiệp "đầu đàn" trong lĩnh vực chip, bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt , Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động và các cơ chế, chính sách cụ thể. Hiện nay, để thu hút FDI vào Việt Nam cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để các nhà đầu tư có thể nhìn thấy và đến với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ nhất, định hướng về phát triển và định hướng về chính sách rõ ràng, minh bạch.

Thứ hai, liên quan các điều kiện căn bản của đầu tư nước ngoài, bao gồm điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng… Thời gian qua, Việt Nam có rất nhiều thay đổi đối với việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến 3 yếu tố này để thu hút các nhà đầu tư, đón nhận các thay đổi về dòng vốn đầu tư trong bối cảnh mới, bao gồm sửa đổi Luật Đất đai để tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư.

Đối với nguồn năng lượng, Thứ trưởng Phương nêu rõ, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong triển khai đường dây 500 kV mạch 3 với một mục tiêu cao nhất là không để thiếu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực để có thể thu hút, hấp dẫn các dự án đầu tư thế hệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn hay các lĩnh vực mới, hiện đã có các chính sách bổ sung như quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI để phục vụ định hướng thu hút mới.

"Để duy trì được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Đối tượng của quỹ hướng tới các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh… nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính khả thi trong việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam", Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, về thu hút FDI đối với dự án đầu tư công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, thời gian vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi.

Luật Viễn thông mới có 2 điểm mấu chốt. Đó là, các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu. Đồng thời, các trung tâm dữ liệu cũng không cần cấp phép.

Chưa hết, ngày 20/9, Thủ tướng đã ký ban hành Chiến lược về công nghiệp bán dẫn của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, các chính sách này sẽ được các bộ, ngành thực thi, triển khai trong quá trình ban hành các hướng dẫn, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, các chi phí về thuế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật BắcSẽ có chính sách hỗ trợ khi OECD áp thuế tối thiểu toàn cầu

Cho rằng FDI là nguồn lực quan trọng, mang tính đột phá, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, từ đầu năm tới nay, FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút 21 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy việc thu hút của Việt Nam có hiệu quả.

Theo Thủ tướng, có 3 vấn đề cần lưu ý để thu hút FDI.

Thứ nhất, thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.

Thứ hai, hạ tầng phải thuận tiện, thông suốt. Hiện, chi phí logitstics của Việt Nam chiếm khoảng 17-18% GDP, do đó, phải kéo giảm xuống ngang các nước tiên tiến là khoảng 11-12% GDP.

"Muốn làm được điều này phải phát triển hạ tầng, tạo không gian phát triển mới, tăng giá trị đất đai, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế", Thủ tướng nói.

Thứ ba, quan tâm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây….

Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng phân tích, trước đây Việt Nam đang giảm thuế để thu hút đầu tư. Khi OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thay vì sử dụng công cụ thuế, Việt Nam phải sử dụng công cụ khác để hỗ trợ nhà đầu tư như hỗ trợ bằng tiền, sản phẩm và cơ chế, chính sách.

"Các nhà đầu tư hãy yên tâm đầu tư vào Việt Nam vì chúng tôi đang xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh. Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh.