CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

WB: Đẩy mạnh đầu tư công sẽ giảm thiểu tác động của dịch Covid-19

Invest Global 10:48 13/08/2020

Dịch Covid-19 trỗi dậy với các ca lây nhiễm cộng đồng cùng với các biện pháp hạn chế mới, nhất là ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ tác động đến quá trình khôi phục kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của dịch phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.

Trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước (Ảnh: Internet)

Đây là nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 7/2020.

Theo đánh giá của WB, trước khi dịch bùng phát lại vào cuối tháng 7, trong các tháng 5, 6 và 7, nền kinh tế chưa thực sự phục hồi như trước khi khủng hoảng do dịch bệnh, nhưng đã có sự phát triển rõ rệt. Đơn cử trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước.

Tương tự, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng 4,6% (so cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019.

Thương mại hàng hóa nhìn chung tiếp tục hồi phục, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn (tăng 10,6%) trong khi doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khu vực nước ngoài giảm khoảng 5% so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo WB, chỉ số CPI của tháng 7 vẫn đi ngang so với tháng 6, còn lạm phát cơ bản ghi nhận mức tăng rất nhỏ.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể, ở mức dưới 10% trong những tháng gần đây. Điều đó cho thấy hoạt động kinh tế suy giảm dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách giảm lãi suất để khuyến khích tín dụng thương mại.

Tuy nhiên, WB khuyến nghị, các cân đối của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng.

Theo đó, kể từ tháng 4, số thu của Chính phủ đã và đang giảm đáng kể, trong khi chi tiêu phải tăng lên nhằm ứng phó khủng hoảng. Trong nửa đầu của năm, Chính phủ chỉ thu được 76% so với con số cùng kỳ năm 2019 do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau khi những hạn chế trong nước do cách ly chống Covid-19 được gỡ bỏ, đồng thời xuất khẩu đạt kết quả tương đối tốt.

Tuy nhiên, theo WB, đợt bùng phát vào cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng và các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát bệnh dịch của chính quyền có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn.

Thanh Hoa