CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đi vay để đầu tư, chiêu "né" thuế của giới giàu ở Mỹ?

Invest Global 08:15 27/07/2021

Giới nhà giàu ở Mỹ đang có xu hướng đi vay tiền để chi tiêu và đầu tư, vừa tranh thủ được lãi suất thấp, vừa tránh được việc phải đóng thuế…

Các ngân hàng lớn ở Mỹ đang đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng giàu có, khi giới nhà giàu nước này ồ ạt vay để mua thêm nhà, đầu tư chứng khoán, hoặc để giảm nhẹ hoá đơn thuế.

Theo tờ Financial Times, tổng giá trị các khoản vay cấp bởi bộ phận quản lý gia sản (wealth management) – mảng phục vụ khách hàng nhà giàu – của các ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley đã vượt mức 600 tỷ USD trong quý 2 vừa qua, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm 22,5% tổng giá trị các khoản vay của 4 ngân hàng trong cùng khoảng thời gian, từ tỷ lệ chỉ 16,3% vào cùng kỳ 2017.

"NGƯỜI GIÀU NHÌN THẤY TIỀN ĐANG RẺ"

Các ngân hàng thường cảm thấy thoải mái khi cho khách giàu vay tiền, vì những khoan vay như vậy có lịch sử thất thoát rất thấp. Tuy nhiên, không vì thế mà việc cho nhà giàu vay tiền không có những rủi ro. Biến động thị trường trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào năm ngoái đã khiến các nhà quản lý gia sản yêu cầu khách hàng nâng mức tài sản thế chấp.

“Điều khiến tôi lo lắng là loại vốn tín dụng này được cấp ồ ạt, tất cả dựa trên niềm tin rằng nợ của người giàu sẽ không bao giờ trở thành nợ xấu”, Chủ tịch Peter Atwater của Financial Insyghts phát biểu, nhấn mạnh rằng mức dự phòng nợ xấu đối với các khoản vay cấp cho khách giàu là quá ít ỏi.

Hoạt động cho vay ở mảng quản lý gia sản của các ngân hàng tại Mỹ đã ở trong xu tăng trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, và tăng mạnh hơn kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất về gần 0 để giúp nền kinh tế chống chọi với sức tàn phá của đại dịch Covid-19. Với một khoản vay kỳ hạn 2 năm dựa trên thế chấp là những tài sản có độ thanh khoản cao như cổ phiếu, khách hàng của mảng quản lý gia sản có thể phải trả mức lãi khoảng 1,4% mỗi năm.

“Lãi suất đang rất thấp, đến nỗi người giàu nhìn thấy tiền đang rẻ”, ông Christopher Boyett, đồng Chủ tịch phụ trách vấn đề quản lý tài sản tại công ty luật Holland & Knight, phát biểu.

Có sự đối lập đến mức “giật mình” giữa sổ sách cho vay khách giàu với sổ sách cho vay khách hàng là người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong vòng 4 năm qua, cho vay ở mảng quản lý gia sản thuộc JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley đã tăng 50%, trong khi tổng dư nợ tín dụng tại 4 ngân hàng này chỉ tăng có 9%.

Lượng vốn vay mà JPMorgan Chase và Citigoup cấp cho một số nhỏ những khách hàng siêu giàu hiện đang lớn hơn cả dư nợ thẻ tín dụng của hàng triệu khách hàng tại hai nhà băng này. Trái lại cách đây một thập kỷ, JPMorgan Chase cho vay thẻ tín dụng nhiều gấp 5 lần cho vay đối với khách hàng tư nhân giàu có.

UBS, ngân hàng Thuỵ Sỹ có bộ phận quản lý gia sản lớn nhất thế giới, cho biết muốn cho khách giàu ở Mỹ vay nhiều hơn.

Các khoản vay cấp cho khách nhà giàu thường được dùng vào đầu tư tài chính, mua thêm nhà hoặc những món đồ xa xỉ. Các nhà đầu tư cũng thích vay tiền từ mảng quản lý gia sản để rót vào công ty của chính họ, vì vay từ bộ phận này rẻ hơn và nhanh chóng hơn so với vay từ mảng phục vụ khách hàng doanh nghiệp.

CÂU CHUYỆN "NÉ" THUẾ

Có một vấn đề gây tranh cãi là việc vay mượn có thể giúp hạ thấp mức thuế mà người giàu phải đóng. Thay vì bán tài sản để có tiền – và đối mặt với hoá đơn thuế lãi vốn (capital gains tax) – những vị khách giàu có dùng tài sản đó thế chấp để vay tiền.

“Cách một cách khác để những gia đình giàu có huy động tiền từ tài sản của họ là bán tài sản đi, nhưng việc đó sẽ dẫn đến hệ quả về thuế nên không được ưa chuộng”, luật sư Sabrena Silver thuộc công ty luật White & Case nhận định.

Bà Silver cho rằng vấn đề thuế “là một lý do nhưng không phải là cân nhắc chính” khi những vị khách giàu có vay tiền. Tuy nhiên, các nhà phê bình không đồng tình với quan điểm này.

Giám đốc điều hành Frank Clemente của tổ chức hoạt động vì bình đẳng thuế American for Tax Fairness nói rằng người giàu vay tiền là cách “hợp thức hoá việc né thuế”.

“Người giàu thuộc về một hệ thống thuế hoàn toàn khác. Ở đó, tất cả tài sản tích luỹ này không bị đánh thuế trừ phi được bán, và họ giàu đến nỗi chẳng cần bán tài sản”, ông Clemente nói.

Hai chuyên gia Emmanuel Saez và Gabriel Zucman của Đại học California Berkeley đầu năm nay ước tính rằng các tỷ phú Mỹ đang nắm tổng tài sản 4,25 nghìn tỷ USD, trong đó 2,7 nghìn tỷ USD chưa bị đánh thuế.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất đạo luật thuế mới nâng thuế suất thuế lãi vốn từ 20% hiện nay lên 39,6% và “vá” lỗ hổng cho phép các gia đình giàu có chuyển giao tài sản giữa các thế hệ mà không phải đóng thuế lãi vốn.

Việc tăng thuế như vậy có thể sẽ thúc đẩy xu hướng đi vay tiền của nhà giàu Mỹ tăng mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đi vay này sẽ tuỳ thuộc nhiều vào tình hình lãi suất hơn là các quyết định về thuế của Washington.

“Tôi không xem việc người giàu đi vay là có động cơ về thuế, mà là vấn đề đầu tư”, ông Boyett nói. “Sức hấp dẫn của các khoản vay sẽ không còn nếu lãi suất tăng lên”.

Quốc tế