CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xu hướng ‘uptrend’ bao giờ trở lại?

Invest Global 08:29 08/02/2023

Thị trường ghi nhận sóng hồi phục khá tích cực trong khoảng gần 2 tháng trở lại đây, sau khi trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, mang tới tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Dù vậy, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề lo ngại trước mắt, nhất là lãi suất cao. Giới phân tích cho rằng, bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, và thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I/2023.

Liên quan đến vấn đề vĩ mô, FED đã nâng mức lãi suất đồng USD lên 4,75%. Dù hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua việc hỗ trợ hệ thống. Giới phân tích cho rằng, chỉ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được khai thông, thanh khoản ngân hàng yếu được hỗ trợ kịp thời và khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc, thì lãi suất trong nước mới có thể bước vào chu kỳ hạ. 

Áp lực chủ yếu từ môi trường lãi suất cao

Theo đó, áp lực sẽ dần “ngấm” tới từng lĩnh vực, mà trước hết nhóm doanh nghiệp nhạy với lãi suất như công nghệ đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, hạ giá sản phẩm, sa thải lao động.

-3972-1675762536.jpg

Giới phân tích cho rằng, bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, và thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I/2023.

Trên thực tế, các chỉ số vĩ mô về tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang suy yếu dưới tác động của nhu cầu suy giảm ở cả trong và ngoài nước. Xuất nhập khẩu có ba tháng liên tục giảm so với cùng kỳ, trong khi lãi suất tăng đang gây áp lực thu hẹp nhu cầu tín dụng, tiêu dùng, và đầu tư trong nước.

Theo thống kê của Chứng khoán BSC, lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn giảm 25,72% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng doanh nghiệp ghi nhận giảm về lợi nhuận chiếm tỷ trọng áp đảo, lên tới hơn 60%. Trong môi trường lãi suất cao cùng với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước suy giảm đang là những yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khảo sát của SGI Capital cho thấy, triển vọng kinh doanh nửa đầu 2023 của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục suy giảm. “Việc suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là một điểm trừ cho thị trường ở giai đoạn đầu năm”, ông Đỗ Bảo Ngọc, nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock đánh giá.

Trong báo cáo nhận định thị trường mới phát hành, SSI Research cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay. Trong khi đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị vẫn chưa thể loại trừ.

Bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I/2023?

Như vậy, nhìn chung tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, mức giảm quá đà do việc thiếu thanh khoản cuối năm 2022 đã tạo ra một mặt bằng giá không quá cao và thu hẹp dư địa giảm của chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.

Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô tương đối ổn định so với diễn biến bất ổn trên thế giới và định giá không còn quá rẻ nhưng vẫn ở mức hợp lý sẽ góp phần thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, dòng tiền từ khối ngoại được duy trì nhờ câu chuyện nâng hạng và bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) hay Nghị định 65 sửa đổi vẫn có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường theo chiều hướng tích cực.

Đáng chú ý, việc Vietcombank ra thông báo ngày 31/1 về việc sẽ hạ 0,5% lãi suất đầu ra cho những khoản vay của doanh nghiệp đến ngày 30/4 được đánh giá về độ tích cực của câu chuyện giảm lãi suất lên thị trường chứng khoán dù phạm vi tác động của thông tin này chỉ ở mức trung bình. Bởi biên độ giảm lãi suất cho vay 0,5% không phải là mức quá đáng kể, nhưng nếu so sánh với gói vay cuối năm 2022 của Vietcombank với mức giảm 1%, nhìn chung thì biên độ đã bị thu hẹp hơn.

Dưới góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc chiến lược đầu tư SSI Research nhìn nhận, Vietcombank đang thể hiện “view chung” của Ngân hàng Nhà nước đó là hỗ trợ kinh tế hồi phục trở lại sau Covid-19, sau câu chuyện tăng lãi suất và lạm phát trong 2022.

"Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Lãi suất trong nước có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023”, SSI Research đánh giá.

Tương tự, chuyên gia từ Fstock cũng nhận định, bức tranh sẽ sáng hơn vào nửa cuối năm 2023 với kỳ vọng lạm phát giảm, chính sách tiền tệ sẽ có những bước đi đầu tiên trong việc nới lỏng.

Với kỳ vọng bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, Chứng khoán ACBS tin rằng, thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I/2023 - đầu quý II/2023.

Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, ACBS đánh giá, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên VN-Index sẽ tăng trưởng 12,8% nhờ khả năng phục hồi của ngành ngân hàng khi chất lượng tài sản và NIM sẽ được duy trì ổn định. Lạm phát cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát trong năm nay, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy chi tiêu công, thúc đẩy lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan như logistics và khu công nghiệp.

Ngoài ra, vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.

Hải Giang