CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu nông sản hướng đích 44 tỷ USD

Invest Global 11:03 14/01/2021

Nhiều lô hàng nông lâm thủy sản đầu tiên đã được xuất khẩu trong những ngày đầu năm mới 2021, kỳ vọng ngành nông nghiệp có thể đạt được con số kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong năm nay. Tất nhiên, đằng sau đó là nhiều phần việc phải làm. 

Ngày 13/1, Bộ NN&PTNT công bố lễ xuất lô gạo đầu năm 2021 của Việt Nam đi Malaysia, Singapore - 2 thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam.

Dồn dập xuất ngoại

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, tại khu sản xuất chế biến gạo XK của công ty đã đóng container 2 lô hàng đầu tiên trong năm mới 2021 khoảng 300 - 400 tấn XK sang Malaysia và Singapore.

Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2021. 

Đáng chú ý, gạo thơm Jasmine 85 có giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn. Đây là số lượng gạo theo hợp đồng XK đầu năm trong tổng lượng hàng đã ký kết với khách hàng Malaysia 1.150 tấn, Singapore 450 tấn.

Trước đó, sáng 5/1, lễ XK lô tôm đầu tiên đã diễn ra tại Hậu Giang. Với 8 container, mỗi container khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang chế biến đã mở đầu cho ngành thủy sản XK đi các nước trong năm 2021.

Đáng chú ý, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2021, cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai) đã làm thủ tục cho 18 bộ tờ khai hải quan của 12 doanh nghiệp (DN) với 516 tấn hàng hóa có tổng kim ngạch lên tới 268.000 USD XK sang thị trường Trung Quốc.

Những tín hiệu này đang cho thấy một triển vọng XK tươi sáng của ngành nông nghiệp trong năm 2021, nhất là đặt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang tới nhiều cơ hội về cắt giảm thuế quan.

Ông Phạm Thái Bình đánh giá, thị trường gạo trên thế giới hiện nay mở ra nhiều thuận lợi, giá chào bán tốt, đặc biệt khách hàng từ thị trường EU đàm phán đặt hàng nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là giá gạo Việt Nam rất khó tăng cao hơn nữa khi đang phải cạnh tranh với các nước cùng sản xuất, XK gạo như Ấn Độ, Thái Lan.

Đồng thời, khó khăn của các DN là chi phí vận chuyển của các hãng vận tải tàu biển rất đắt đỏ, khiến hàng hóa Việt Nam càng khó cạnh tranh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ngành nông nghiệp đã đạt được kim ngạch XK lên tới hơn 41 tỷ USD trong năm 2020. Hiện nay, đang có 1.360 DN nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Với sự tham gia của DN, hàng nông sản Việt Nam sẽ có thể XK được nhiều, thu về giá trị cao hơn.

Trong giai đoạn 2017-2020, có khoảng 57.000 tỷ đồng của khu vực DN tư nhân được đầu tư vào chế biến nông sản, với sự ra đời của 62 tổ hợp nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

"Thấy có lợi, có tiềm năng thì DN mới đầu tư. Vì vậy, để thu hút thêm DN, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện tốt nhất cho DN", ông Toản nói.

Hóa giải âu lo

Tuy nhiên, XK nông sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ những cơ hội, thách thức ở một số thị trường XK nông sản chính của Việt Nam.

Đơn cử, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng, kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình XK gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo phản ánh của nhiều DN, dù có những tín hiệu tích cực, song XK nông sản vẫn đang rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Từ câu chuyện thiếu container, chi phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần tới nhu cầu tại các thị trường sụt giảm mạnh...

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta mở cửa thị trường thì dễ nhưng để đưa được hàng vào thì không đơn giản do năng lực của các hộ nông dân, HTX còn yếu.

Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tăng cường năng lực cho các hộ, HTX thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, rồi ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2021, cần thúc đẩy nâng cao năng lực của các hộ nông dân, HTX để họ tham gia vào chuỗi giá trị.

Cùng với đó, cần có những thay đổi về chính sách để các HTX có thể tiếp cận vốn, đất đai... Hiện nay, HTX muốn đầu tư xây dựng nhà sơ chế, kho bãi nhưng không có đất, hay đất cho chăn nuôi cũng rất khó khăn...

Về thị trường, Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thị trường. Việc nghiên cứu nhu cầu thị trường về tiêu chuẩn, trách nhiệm xã hội..., rất nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, HTX, kể cả DN hiện nay cũng chưa biết rõ. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, chúng ta thống nhất quan điểm sản xuất nông nghiệp nói riêng và sản xuất nói chung phải gắn với các tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để thực thi khẩu hiệu này là vấn đề gốc rễ. Và chắc chắn đối với nông nghiệp, vai trò của Bộ NN&PTNT sẽ phải cùng với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để chuyển tín hiệu thị trường này đến với người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp.

Tất nhiên, còn có những yếu tố khác liên quan đến mô hình, phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần bổ sung đánh giá về công tác tổ chức thực thi các FTA trong chiến lược tổng thể quốc gia, bởi ngành nông nghiệp sẽ làm chính trong lĩnh vực này.

Để thực thi tốt cam kết hội nhập, vai trò của các DN trong việc tham gia vận hành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá Bộ NN&PTNT đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, thời gian tới cần cơ chế chính sách để thay đổi mô hình sản xuất một cách tận gốc để đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp và có vai trò của DN nhằm đưa công nghệ, tín dụng, đồng thời đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng đó.

"Để thực hiện hội nhập và phát triển trong bối cảnh phát triển chung của kinh tế số và của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể để quên câu chuyện đào tạo cho người nông dân. Kinh tế số, thương mại điện tử trong nông nghiệp là công cụ và con đường rất hiệu quả để giúp cho người nông dân Việt Nam rút ngắn khoảng cách trong chuỗi ứng thông qua các khâu phân phối", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trong bối cảnh Luật Đất đai chưa được sửa, các địa phương có thể nhân rộng mô hình chính quyền thuê đất của nông dân rồi cho DN thuê lại, điều này giải quyết "nút thắt" về đất đai. Ngành nông nghiệp cần chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế kinh doanh nông nghiệp, DN giữ vị trí trung tâm, liên kết với HTX để cung ứng sản phẩm ra toàn cầu, định hình tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Quốc Doanh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, DN cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch, vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan nhờ các FTA hiện nay đối với các mặt hàng nông sản.

Ông Hoàng Văn Tú

Đại diện Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam

Không riêng gì thị trường Trung Quốc mà nhiều nước đều đặt ra rào cản kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những hàng rào đó là thách thức chứ không phải khó khăn, nó sẽ tạo động cơ để chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, bước vào những thị trường khó hơn, lớn hơn, có giá trị cao hơn.

Lê Thúy 

Doanh nghiệp - Doanh nhân