CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ngày 27/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra tại TP.HCM, trong bối cảnh thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng.
Trong bài trình bày tổng quan thị trường M&A, Tiến sĩ Nguyễn Công Ái - Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam chỉ ra rằng giá trị các thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương sau 9 tháng đầu năm tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn.
Tuy nhiên, tình hình tại Đông Nam Á lại khá ảm đạm. Dù lãi suất được điều chỉnh giảm và các chính sách tiền tệ phù hợp được ban hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn thận trọng và hạn chế các hoạt động M&A.
Riêng tại Việt Nam, theo tổng hợp từ KPMG, thị trường M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% so với cùng kỳ. Giá trị trung bình của các thương vụ là 56,3 triệu USD.
M&A Vietnam Forum 2024 diễn ra tại TP.HCM ngày 27/11.
Thương vụ lớn nhất trong năm cho đến nay, với giá trị 982 triệu USD , diễn ra vào đầu tháng 4. Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng 55% vốn điều lệ công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI - đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh thương mại Sado - cho một nhóm 4 doanh nghiệp tại TP.HCM. Sado khi đó là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail khi nắm 41,5% vốn.
Như vậy, cả Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn sở hữu trực tiếp hơn 18% vốn cổ phần Vincom Retail và sẽ là cổ đông lớn thứ hai.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp thương vụ M&A lớn thứ hai trong 9 tháng đầu năm tại Việt Nam, khi Becamex IDC chuyển nhượng một dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group từ Singapore.
Thương vụ lớn thứ ba là tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tặng 99,8% CTCP Giải pháp Năng lượng VinES cho Công ty VinFast, trị giá hơn 440 triệu USD. Sau sáp nhập, VinFast sẽ tự chủ về công nghệ pin – cấu phần quan trọng của xe điện, đồng thời làm chủ được chuỗi sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, một thương vụ đáng chú ý là Bain Capital của Mỹ đầu tư 255 triệu USD vào Masan Group qua hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, Masan Group cũng mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại WinCommerce từ SK South-East Asia Investment. Đây là hai thương vụ M&A có giá trị lớn thứ 4 và thứ 5 trong 9 tháng đầu năm.
Nguồn: KPMG.
KPMG chỉ ra rằng mức tăng trưởng trên thị trường M&A Việt Nam được thúc đẩy bởi các thương vụ nội địa lớn, đặc biệt là 4 giao dịch của Vingroup và Masan Group với tổng giá trị 1,9 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị giao dịch M&A.
“ Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn ”, KPMG cho biết trong báo cáo vừa công bố.
Xét theo cơ cấu ngành, hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (53%), tiêu dùng thiết yếu (14%) và công nghiệp (21%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top 5 thương vụ M&A lớn nhất.
Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025.
Các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ. Đặc biệt, các ưu đãi thuế, cải cách quy định kinh doanh, và hỗ trợ chiến lược cho các ngành có tốc độ tăng trưởng cao không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là các chính sách thực tế nhằm định vị Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho dòng vốn xuyên biên giới.
Kết hợp với trọng tâm phát triển hạ tầng và số hóa, các yếu tố này có thể tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam và trở thành điểm sáng của ngành tại Đông Nam Á.