CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát nhanh. Theo đó, các doanh nghiệp thành viên của tổ chức này bày tỏ quan ngại đáng kể về tác động tiềm tàng từ thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát, được tiến hành từ 4-11/2/2025, có đến 81% số thành viên được khảo sát lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế. Riêng đối với ngành sản xuất, tỷ lệ này ở mức cao là 92%. Không có sự khác biệt đáng kể nào về kết quả dựa theo quy mô doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng chi phí tăng cao do thuế có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và buộc họ phải tính toán lại hoạt động. “Nếu thuế quan mới được thông qua, điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho ngành của chúng tôi. Chúng tôi phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu sang Mỹ. Chi phí tăng sẽ đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh giảm”, một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chia sẻ.
Ngoài ra, hơn 75% số thành viên tham gia khảo sát cho rằng thuế quan sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của họ, dẫn đến sức ép về tài chính và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế hơn. Có đến 94% các doanh nghiệp sản xuất dự báo tác động tiêu cực.
Về khả năng sa thải, 46% số doanh nghiệp phản hồi rằng họ có thể phải cắt giảm nhân sự nếu thuế quan được thông qua, còn 25% khác cho biết sẽ không cắt giảm. Trong lĩnh vực sản xuất, có gần 2/3 số doanh nghiệp lên kế hoạch sa thải nhân lực.
Ở góc độ rộng hơn, hơn 85% cho rằng thuế quan sẽ gây tổn hại nền kinh tế Việt Nam. Tương tự, hơn 65% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, thuế quan sẽ khiến trao đổi thương mại giảm, làm gián đoạn các quan hệ kinh doanh lâu dài cũng như khiến người tiêu dùng Mỹ gánh chịu giá cả tăng.
Để đối phó với thuế, một số công ty sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác hoặc điều chỉnh các chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
“Việt Nam đã rất nỗ lực để khẳng định vị thế ‘người chơi’ chủ chốt trong hệ thống thương mại toàn cầu, và các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm thị trường thay thế nếu cần”, một doanh nghiệp cho hay.
Về tổng thể, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Theo đó, 94% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó 98% số doanh nghiệp sản xuất, đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn để kinh doanh, nhờ vào cơ sở hạ tầng đang được mở rộng, nhân lực có trình độ và vị trí chiến lược.
AmCham khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách hai nước đối thoại mang tính xây dựng để tìm kiếm giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế và tránh gián đoạn dòng thương mại.
Ông Travis Mitchell, Giám đốc điều hành AmCham bình luận: “Quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng tôi tin rằng trao đổi cởi mở và các nỗ lực hợp tác rất quan trọng để duy trì quan hệ đối tác thiết yếu này”.
Ngày 12/2, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết, năm 2025 là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Phía Mỹ mong muốn 2025 là năm bản lề để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, hiện thực hóa các cam kết và nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại sẽ đóng vai trò động lực chủ chốt thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương.
Mỹ đánh giá cao và đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong vấn đề chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp của cả hai nước.
Trước quan ngại của Bộ trưởng Bộ Công Thương về những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ thời gian gần đây, Đại sứ Knapper cho biết chính sách thương mại mới của Mỹ được thiết lập nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa thương mại công bằng, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, người lao động, và doanh nghiệp Mỹ…
“Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực”, Đại sứ nhấn mạnh.