CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bài toán người dân ồ ạt về quê sau dịch

Invest Global 16:11 09/10/2021

Trước việc dòng người đổ về quê từ TP.HCM, Bình Dương và những tỉnh, thành từng là tâm điểm của dịch Covid-19 ngày càng nhiều, vấn đề đặt ra là làm gì để giữ chân người dân ở lại, đảm bảo được nguồn nhân lực cho những trung tâm kinh tế này? Ở chiều ngược lại, các địa phương tiếp nhận "người hồi hương" cần nhìn nhận việc người dân đổ về quê hiện nay ra sao? Đâu là mô hình kinh tế thích hợp để giải quyết việc làm cho những người lao động này?

Từ ngày 1/10, sau khi TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, mỗi ngày có hàng chục ngàn người dân là những người lao động trên địa bàn ùn ùn kéo về quê. Phần lớn họ đều là những người lao động bị mất việc làm và không có thu nhập. Chính quyền đã hỗ trợ vài đợt, mỗi đợt một vài triệu đồng, nhưng vẫn không đủ để họ trang trải cuộc sống. 

Ngưng trệ sản xuất vì thiếu lao động

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người của các địa phương cả nước làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó có nhiều người muốn về quê.

Tại Cần Thơ, đến nay, địa phương này đã tiếp nhận trên 4.000 người dân từ TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh miền Đông về quê.

Hay tại An Giang, đến nay đã có  trên 15.000 người dân trong tỉnh đi làm ăn xa ở các tỉnh TP.HCM, Bình Dương,… về quê. Tương tự tại Cà Mau, số người dân về đến tỉnh này rất đông, có thể lên đến hàng chục ngàn người.

Lượng người ở các tỉnh phía Nam về quê lớn đồng nghĩa với việc các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch vì thiếu nguồn lao động. Theo thống kê, chỉ tính riêng TP.HCM, số lượng lao động đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp hiện chỉ khoảng 135.000 người, bằng 46% so với trước đây. Trong khi TP.HCM đang có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đóng trên địa bàn, đem lại gần 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp cho thành phố và là đầu tàu xuất khẩu hàng hóa.

Người dân đổ dồn về quê khiến các doanh nghiệp gặp khó vì thiếu lao động (Ảnh: Int)

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết đã có nhiều người lao động về quê, cộng thêm với số lao động đang về và muốn về khiến các nhà máy chỉ còn khoảng 50% công nhân. Điều này đồng nghĩa với việc công suất sản xuất của doanh nghiệp giảm một nửa.

Theo các chuyên gia, bình thường sau Tết Nguyên đán mọi năm, các doanh nghiệp vẫn bị thiếu khoảng 20-30% lao động, nhưng có thể được giải quyết trong ngắn hạn vì người lao động chủ yếu là dịch chuyển chỗ làm. Còn hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, mong muốn của người lao động chủ yếu là về quê ở hẳn nên vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy, vấn đề tuyển lao động cũng không dễ dàng.

Thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho thấy, trước nhu cầu lao động tăng, có 28 doanh nghiệp tham gia tuyển lao động với hơn 4.500 việc làm. Tuy nhiên, chỉ có hơn... 150 lao động nộp hồ sơ. 

Giám đốc một công ty tại TP.HCM cho biết, suốt thời gian qua, đơn vị đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ" để duy trì sản xuất nhưng chi phí cao gấp đôi. Thế nhưng, sau giãn cách, tổng số lao động làm việc chỉ đạt 60%. Số lao động còn lại chưa muốn quay lại làm việc là do lo ngại dịch bệnh hoặc bỏ về quê tránh dịch.

Giải bài toán "giữ chân" và "tiếp nhận"

Cũng rơi vào cảnh thiếu hụt lao động khi bắt tay vào khôi phục kinh tế sau dịch như Việt Nam, Thái Lan mới đây đã thông qua về mặt nguyên tắc biện pháp hỗ trợ một khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giữ chân người lao động.

Việc người dân đổ về quê trong thời gian qua ngoài vấn đề ý thức và lo lắng về dịch bệnh, theo các chuyên gia, còn liên quan đến quản lý chung ở từng địa phương. Bởi, tình trạng này đã lặp lại sau nhiều lần giãn cách nhưng dường như các địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu nào. Chính vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp, cho biết một số địa phương vẫn cứ nghĩ rằng đó là việc của doanh nghiệp với người lao động, là việc của Nhà nước. Thậm chí, có địa phương còn có tâm lý muốn người lao động về quê để giảm bớt áp lực cho địa phương mình.

“Có điều họ quên rằng doanh nghiệp đóng trên địa bàn của địa phương, tạo ra thu nhập, đem lại việc làm cho địa phương. Vì vậy, lúc doanh nghiệp khó khăn, địa phương cần vào cuộc hỗ trợ, vì doanh nghiệp lúc này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn”, ông Tiến lưu ý.

Việc cần làm lúc này là cần phân loại nhu cầu của người lao động để có phương án phù hợp nhất với những nhóm lao động vẫn mong muốn bám trụ lại thành phố. Cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động tự do, lao động thời vụ, lao động bị mất việc trong nhiều tháng... Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, “Vùng xanh sản xuất” và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động, để thực hiện mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.

Để giữ chân người dân ở lại thành phố, cùng đóng góp để sớm phục hồi và xây dựng đầu tàu kinh tế của cả nước, phải tính đến an toàn cho hơn 500 ngàn doanh nghiệp đóng góp 4/5 giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp nhiều cho ngân sách và tạo việc làm nhưng năng lực sản xuất đang ở mức độ cầm chừng hoặc kiệt quệ.

Còn Ts Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết người dân bỏ về quê khiến thị trường lao động ở các tỉnh phía Nam rơi vào tê liệt. Điều này cũng cho thấy khả năng chống chịu với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp là rất hạn chế.

Theo ông Bình, để thu hút nguồn lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ tiền lương, nhà ở, thì vaccine vẫn là “chìa khóa” để doanh nghiệp từng bước bảo đảm nguồn lao động phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ông Bình cho rằng, Nhà nước có thể nâng quy mô các gói hỗ trợ lớn hơn để người lao động yên tâm ở lại hoặc quay lại sản xuất và cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian này.  

Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là khi các doanh nghiệp đang dần phục hồi, tái sản xuất trong giai đoạn "bình thường mới" cần phải giải quyết  ngay. Vì từ nay trở đi, các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm. Và doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai những ngày gần đây cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương để có kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc. Các địa phương này đã thực hiện đưa đón công nhân bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy theo mã QR của phương tiện giao thông và xe đưa đón của doanh nghiệp. Người lao động có thể đi bằng phương tiện cá nhân khi chấp hành tốt quy định của các địa phương.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố này cũng thiết lập khu tạm trú cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc tại những địa điểm gần với doanh nghiệp đang làm việc.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với những người lao động mong muốn về quê vì không còn lựa chọn nào khác, các địa phương cần phối hợp để hỗ trợ họ trở về an toàn. Thay vì lo ngại người lao động về quê có thể làm bùng phát dịch bệnh, các địa phương cần nhìn nhận cuộc di chuyển lao động quy mô lớn hiện nay chính là cơ hội nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực lao động phục vụ cho nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông nghiệp nông thôn thông qua việc tham gia các chuỗi giá trị của các HTX, tổ hợp tác.

Hiện, có rất nhiều mô hình kinh tế hợp tác ở địa phương đang muốn mở rộng quy mô và bổ sung thành viên trẻ và có trình độ để phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc lao động hồi hương có thể là nguồn lực tốt bổ sung cho các HTX, tổ hợp tác. Đây cũng là điều kiện cân đối lại tình trạng thiếu lao động nông thôn và diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại nhiều vùng nông thôn trong thời gian qua.

Mục tiêu cụ thể của Chính phủ là đến năm 2025, cả nước sẽ phát triển khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35.000 HTX với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp HTX với 1.100 HTX thành viên. Đây chính là cơ hội để người lao động sau khi di cư từ các thành phố về quê có việc làm ổn định.

Đặc biệt, Nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa, các HTX nông nghiệp công nghệ cao, nên sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ, bảo đảm chất lượng lao động trong môi trường nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… 

Như Yến