CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp bách

Invest Global 12:43 04/09/2024

“Dưới tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, Đồng bằng sồng Cửu Long đang dần được định hình lại so với lịch sử, với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn so với tự nhiên trước đây. Do vậy, bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp bách…”

Trên đây là khẳng định của GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tại tọa đàm: “Bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước cho Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm kiếm công nghệ và nguồn vốn quốc tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam\VnEconomy phối hợp với Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế - Invest Global; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức ngày 30/8/2024, tại Hà Nội.

XÂM NHẬP MẶN GÂY KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

GS.TS Trần Đình Hòa cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ trẻ, nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông, có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành khoảng hơn 6.000 nghìn năm nay, với diện tích gần 4 triệu ha. Hiện nay dân số khoảng 20 triệu người.

Phân tích về tài nguyên nước, GS.TS Trần Đình Hòa cho hay tổng lượng dòng chảy hàng năm của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ 475 tỷ m3. Trong đó, 95% dòng chảy từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến khoảng 56% tổng lượng nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước này chủ yếu tập trung vào mùa mưa, chiếm 80-85%; mùa khô chỉ chiếm 15%. Hệ thống kênh rạch của toàn bộ vùng vào khoảng 74 nghìn km.

GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: "Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động kép".

Đối với hoạt động kinh tế xã hội, GS.TS Trần Đình Hòa cho rằng dù diện tích Đồng bằng sông Cửu Long không lớn, nhưng chiếm tới 12% GDP của cả nước và đóng góp rất lớn vào kinh tế xã hội, an ninh lương thực và xuất khẩu. Đây cũng là vùng sản xuất lương thực, thuỷ hải sản, trái cây lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản, 60% sản lượng trái cây của cả nước.

"Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm nguồn nước… đang diễn ra trên hầu hết các tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn, gia tăng cả về phạm vi và cường độ".

GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long có 3 hệ sinh thái lớn: hệ sinh thái nước ngọt; hệ sinh thái ngọt mặn luân phiên; hệ sinh thái ngập mặn. Ba vùng sinh thái này đang phát triển theo hướng thích ứng với môi trường nước và kinh tế sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều tác động: (i) biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (ii) khai thác nước từ thượng nguồn; (iii) chính sự phát triển nội tại của vùng. “Do khá non trẻ trong sự kiến tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long rất mẫn cảm trước các tác động. Để có một chiến lược phát triển tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải phân tích kỹ các tác động này”, GS.TS Trần Đình Hòa nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, GS.TS Trần Đình Hòa cho hay đó là xâm nhập mặn. Từ năm 2012, sau khi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng nhiều, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn và ngày càng đi sâu vào trong đất liền. Trên sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn có lúc vào sâu đến 100-130 km. Sông Tiền và sông Hậu xâm nhập mặn vào sâu 55-65 km, thời gian xâm nhập mặn sớm hơn so với trước đây 1-1,5 tháng do rất nhiều yếu tố. Chính vì tình trạng xâm nhập mặn sớm hơn này, đã ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ sản xuất của bà con  nông dân.

THIẾU NƯỚC VÀ SỤT LỞ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG

Về vấn đề khai thác nước từ thượng nguồn, GS.TS Trần Đình Hòa phân tích là hạn hán và thiếu nước ngọt. Trước đây chúng ta thường nói "sống chung với lũ" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, gần như không còn lũ nữa, do các đập và hồ chứa được xây dựng nhiều ở thượng nguồn sông Mê Kông.

"Chức năng của hồ chứa ấy là tích nước và cắt lũ trong mùa lũ. Về lý thuyết, vào mùa khô, tổng lượng nước sẽ tăng lên do phát điện đã tăng xả nước từ thuỷ điện trên thượng nguồn. Nhưng thực tế, do thời điểm xả nước luôn thay đổi thất thường và những diễn biến khác, khiến hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng lên", ông Hoà nêu thực tế. 

Hiện nay, tổng dân số nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 14 triệu người, nên vấn đề cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đang rất khó khăn. Mặc dù, Chính phủ Việt Nam hết sức chú trọng vấn đề này,  nhưng hiện có gần 80 nghìn hộ dân thiếu nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về vấn đề sụt lún và sạt lở đất. Do nguồn nước biến động; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường; và phát triển nội tại, lượng nước chuyển về đồng bằng sông Cửu Long thay đổi so với trước đây, đã gây ra tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng.

Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, GS.TS Trần Đình Hòa nhấn mạnh rất nóng, rất nguy hiểm cho sự bền vững, ảnh hưởng đến sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, người dân sinh sống và sinh hoạt trên hệ thống sông rạch, nhà cửa nằm sát hai bên mép các bờ sông, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường rất lớn.

Liên hiệp quốc nhấn mạnh rất rõ: “Nước có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng có chức năng cơ bản trong việc duy trì tính toàn vẹn của môi trường tự nhiên. Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người. Nước tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia trên thế giới, nó quyết định đến sự phát triển bền vững”.

GS.TS Trần Đình Hòa nhận định Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho nông nghiệp, có lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được. Phát triển thượng lưu sông Mê Kông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy. Biến đổi khí hậu – nước biển dâng; thời tiết diễn biến cực đoan; tác động do phát triển nội tại gây sụt lún đất, hạ thấp Đồng bằng, ô nhiễm môi trường nguồn nước với mức độ rất nghiêm trọng.

“Dưới tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, Đồng bằng sồng Cửu Long đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn so với tự nhiên trước đây. Do vậy, bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp bách có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội, hướng đến một đồng bằng thịnh vượng, bền vững và giàu bản sắc”, ông Trần Đình Hoà nhấn mạnh.                   

Ý kiến chuyên gia