CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Xây dựng) - Mục tiêu tỉnh Bình Định với phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hài hòa, bền vững giữa các ngành công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm với các ưu tiên đột phá. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư hạ tầng giao thông, khu cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp CNHT. Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu này địa phương đề xuất các cơ chế hỗ trợ.
Bình Định mục tiêu phát triển hạ tầng để phát triển công nghiệp. (Ảnh minh hoạ)Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật của Bình Định liên tục đầu tư cải thiện, nhất là giao thông như: QL1A, QL19, Cảng Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sản phẩm sang các nước.
Tỉnh đang có 10 doanh nghiệp triển khai 10 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký đầu tư 57.444 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 478 ha.
Bình Định hiện có 21 doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.411 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 55 ha. Lũy kế 9 tháng năm 2024, Bình Định có đến 41 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 4.342 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp lớn có thể kể đến như: Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định sản xuất thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo với tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng, công suất 430.000 tấn/năm, diện tích nhà máy 21,8 ha; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xây dựng Thiên Phát sản xuất ván ghép thanh phục vụ ngành chế biến gỗ nội, ngoại thất với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, công suất 25.000 m3/năm, diện tích nhà máy 10,5 ha.
Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, thời gian qua, địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, ngoài việc thúc đẩy tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn còn tạo động lực để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các ngành liên quan. Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi cung ứng đến và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Thời gian tới, một số dự án về công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Trong đó có Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ của Công ty CP Tekcom Central sản xuất ván ép các loại phục vụ ngành chế biến gỗ nội, ngoại thất (dự kiến hoạt động quý I/2026); Nhà máy sản xuất và chế biến ván gỗ MDF của Công ty Du lịch Thương mại Quy Nhơn sản xuất ván MDF phục vụ ngành chế biến gỗ nội thất (dự kiến hoạt động quý III/2025); Nhà máy sản xuất gia công bộ phận phụ tùng ô tô, phụ tùng động cơ, phụ tùng phanh, phụ tùng máy móc hạng nặng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô (dự kiến hoạt động quý III/2026)…
Mặc dù vậy, số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn còn khiêm tốn so với số lượng và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Thực tế địa phương chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đúc (linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu), trong khi đó lại có đến 23 doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị. Hay có 209 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép chế tạo.
Đối với ngành gỗ - ngành chủ lực của Bình Định, trên địa bàn có đến 203 doanh nghiệp chế biến gỗ nội, ngoại thất nhưng chỉ có 13 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ.
Cả tỉnh chỉ có duy nhất một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bột cá, trong khi đó lại có đến 17 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi... "Do đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Bởi vậy, đa phần các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh phải thu mua nguyên, vật liệu từ các địa phương khác trong nước, thậm chí nhập khẩu".
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Định chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mua sắm máy móc thiết bị, chế tạo thử nghiệm sản phẩm. Việc cung cấp các dịch vụ kiểm định, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có đầu mối hỗ trợ.
Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Quý (tại thị xã Hoài Nhơn) cho hay, doanh nghiệp đang sản xuất ván ghép phục vụ ngành chế biến gỗ chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa. Khi các đối tác gặp khó trong xuất khẩu thì bản thân doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng, khi đơn hàng ít, sản xuất giảm.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh này trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Đồng thời, Bình Định mong muốn tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc. Được biết, hiện, địa phương có tổng công suất 150 triệu sản phẩm may mặc/năm, với 35 nghìn lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đề nghị được tham gia Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng; đồng thời, tham gia chuỗi sản phẩm phát triển ngành công nghiệp cơ khí…