CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Động thái giữa Temasek Holdings và BlackRock với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc "bật đèn xanh" tiếp tục mở cửa thị trường tài chính cho nhà đầu tư “ngoại”. Ảnh: AFP |
Nguồn thạo tin của Reuters cho biết, các bên mới đây đã ký bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập liên doanh này tại Trung Quốc. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc "bật đèn xanh" tiếp tục mở cửa thị trường tài chính nước cho nhà đầu tư “ngoại”.
Theo bản ghi nhớ hợp tác, BlackRock và Temasek sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần của liên doanh quản lý tài sản trên.
CCB là ngân hàng do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và là ngân hàng lớn thứ 2 tại Trung Quốc về tài sản sau Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Trong năm 2019, CCB đã thành lập một đơn vị quản lý tài sản do ngân hàng này sở hữu toàn bộ và do đó, CCB khó có thể kiểm soát thêm 1 công ty quản lý tài sản khác, nguồn tin Reuters cho hay.
Thực tế, CCB đã ký thỏa thuận chiến lược với BlackRock nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, quản lý tài sản, quản lý rủi ro và công nghệ tài chính. Tuy nhiên, cả CCB và Temasek chưa đưa ra bình luận về thông tin trên, còn BlackRock từ chối bình luận.
Cuối tuần trước, công ty quản lý tài sản Amundi SA của Pháp cho biết công ty này đã được chấp thuận thành lập liên doanh quản lý tài sản với một đơn vị của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China.
Trung Quốc mới cho phép các nhà quản lý tài sản nước ngoài thành lập quỹ tư nhân tại nước này hơn 2 năm qua và sắp tới có kế hoạch bãi bỏ quy định hạn chế quyền sở hữu đối với các quỹ tương hỗ vào tháng 4 tới. Việc cho phép thành lập các liên doanh quản lý tài sản mở ra cơ hội cho các công ty quản lý tài sản nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua hình thức nắm giữ cổ phần.
Wang Daqing, trưởng bộ phận ngân hàng quy mô lớn của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho rằng các công ty quản lý tài sản nước ngoài hàng đầu và đủ năng lực có thể ngồi đàm phán với đối tác Trung Quốc để lập liên doanh.
“Từ lâu, nhà đầu tư nước ngoài đã muốn tiếp cận sâu hơn thị trường tài chính Trung Quốc, vì vậy chúng tôi đã mở rộng quyền tiếp cận cho họ trước”, 1 quan chức về quản lý tài sản của CBIRC nói với Reuters.
Vị này nói thêm, các nhà đầu tư nước ngoài hiện có thêm lựa chọn khi tham gia thị trường Trung Quốc, có thể là lập quỹ quản lý tư nhân hoặc liên doanh quản lý.
Đã xuất hiện những quan điểm khác nhau về vấn đề này tại Trung Quốc. Một số ngân hàng lớn tại Trung Quốc cho rằng, việc hợp tác thành lập công ty quản lý tài sản do các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát bộc lộ những hạn chế về mặt lợi ích.
“Tài sản thuộc quyền quản lý và đầu tư của liên doanh sẽ không được phản ánh trên sổ sách của ngân hàng chúng tôi”, một lãnh đạo công ty quản lý tài sản thuộc một ngân hàng cỡ vừa tại Trung Quốc nhận định. Thêm vào đó, việc thành lập các đơn vị quản lý tài sản cũng "ngốn" lượng vốn lớn, bởi theo quy định hiện hành, một công ty quản lý tài sản phải có vốn đăng ký tối thiểu 1 tỷ nhân dân tệ, tương đương 143 triệu USD.