CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cà Mau phát triển xanh bền vững, vươn mình từ biển

Invest Global 09:59 22/07/2025

Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau là vùng đất giàu tiềm năng về rừng, biển và đất ngập nước, nhưng cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, địa phương này đã kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và vươn lên mạnh mẽ từ biển...

Phát triển bền vững, xanh hóa nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu đã không còn là khẩu hiệu mà trở thành những hành động cụ thể, mang dấu ấn của ý chí vươn lên từ biển nơi vùng Đất Mũi này.

LỢI THẾ THIÊN NHIÊN, GIÁ TRỊ BỀN VỮNG

Vùng Đất Mũi được mệnh danh là “thủ phủ tôm” của cả nước với diện tích nuôi tôm hơn 280.000 ha, đóng góp khoảng 40% sản lượng tôm nuôi Việt Nam. Tận dụng thế mạnh này, tỉnh Cà Mau đã định hướng phát triển nông nghiệp xanh - sinh thái, lấy bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên làm trọng tâm.

Điển hình là mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, một sáng kiến dung hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Theo quy định, người nuôi giữ tối thiểu 40% diện tích rừng tự nhiên, phần còn lại để đào đầm nuôi tôm theo hình thức tự nhiên, hạn chế tối đa hóa chất, thức ăn công nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm tôm Cà Mau đạt nhiều chứng nhận uy tín như ASC, EU Organic, Naturland, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Song song đó, mô hình tôm- lúa luân canh cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Vào mùa mưa, người dân gieo lúa, mùa khô chuyển sang nuôi tôm, hạn chế ô nhiễm đất, bảo vệ nguồn nước, giảm phát thải từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, nhưng vẫn bảo vệ được đất đai và nguồn lợi thủy sản.

Việc đảm bảo nguồn nước sạch đặc biệt quan trọng đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn hằng năm vào mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Cũng như nhiều địa phương khác, thiếu nước ngọt từng là bài toán nan giải ở nhiều xã ven biển Cà Mau.

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước tập trung, mở rộng mạng lưới đường ống dẫn nước về tận ấp, cụm dân cư xa. Nhiều gia đình được hỗ trợ bồn chứa, giếng khoan sâu và áp dụng công nghệ lọc nước hiện đại. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 98%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế nguy cơ bệnh tật do dùng nước nhiễm mặn, phèn…

NĂNG LƯỢNG XANH VÀ GIẢM PHÁT THẢI

Là địa phương với ven biển dài và gió mạnh quanh năm, Cà Mau được đánh giá có tiềm năng lớn phát triển điện gió. Gần đây, nhiều dự án điện gió ven bờ đã được đưa vào hoạt động, điển hình như nhà máy điện gió Tân Thuận, Khai Long… bổ sung nguồn điện sạch cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn cũng đã được quy hoạch, kỳ vọng tạo ra động lực phát triển mới, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ.

Mô hình điện mặt trời áp mái cũng được khuyến khích, nhất là với hộ gia đình, trang trại, cơ sở sản xuất. Việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời không chỉ giảm chi phí điện mà còn góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Cà Mau có thể khai thác hiệu quả điện gió với công suất ước tính lên đến 8.500 mW. Ảnh minh họa.Cà Mau có thể khai thác hiệu quả điện gió với công suất ước tính lên đến 8.500 mW. Ảnh minh họa.

Thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Cà Mau đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh song hành với bảo tồn hệ sinh thái. Rừng ngập mặn Cà Mau - vốn được coi là “bể chứa carbon” tự nhiên - đang được bảo vệ, phục hồi và mở rộng. Các dự án trồng rừng ven biển không chỉ chống xói lở, mà còn đóng góp trực tiếp vào mục tiêu giảm phát thải carbon.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chủ động đầu tư dây chuyền xử lý nước thải, tái chế phụ phẩm tôm thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ. Đây là bước đi quan trọng để sản xuất xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế.

Để giữ đà phát triển, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chương trình, đề án cụ thể như chuyển đổi nông nghiệp bền vững, phát triển kinh tế biển gắn bảo vệ tài nguyên, thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Đặc biệt, người dân chính là yếu tố then chốt giữ vai trò “người gác rừng”, “người giữ biển”, cùng chính quyền và doanh nghiệp thực hiện các cam kết xanh. Từ vuông tôm, rừng ngập mặn đến cánh đồng điện gió, tất cả đang phản chiếu nỗ lực của một địa phương quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng ngắn hạn.

Từ đầu tháng 7/2025, tỉnh Cà Mau mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu (cũ) và Cà Mau (cũ). Từ đây, tầm vóc và khát vọng mới không còn là vùng đất xa xôi, mà là trung tâm năng động, kết nối trục phát triển ven biển Tây Nam Bộ, đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ.

Bạc Liêu và Cà Mau từng là hai địa phương “hàng xóm” kề vai sát cánh, chia sẻ chung một vùng văn hóa đặc trưng Nam Bộ, cùng gánh những gian khó từ thời khẩn hoang, rồi cùng nhau vượt bão lũ, chiến tranh và cả những thăng trầm trong phát triển kinh tế.

Từ năm 1976, tỉnh Minh Hải được thành lập trên cơ sở vùng đất của Bạc Liêu và Cà Mau. Đến năm 1996, tỉnh Minh Hải giải thể, tách ra thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cho đến trước tháng 7/2025 (chú thích của người viết).

Hành trình phát triển xanh bền vững của Cà Mau không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho hàng triệu người dân, mà còn khẳng định trách nhiệm của một vùng đất đầu sóng, ngọn gió với mục tiêu chung: phát triển vì con người, vì môi trường, vì thế hệ mai sau.

Câu chuyện “Cà Mau phát triển xanh bền vững, vươn mình từ biển” đang lan tỏa, truyền cảm hứng và đóng góp thiết thực vào nỗ lực giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Theo tính toán của các nhà khoa học, với khả năng hấp thụ trung bình khoảng 25 tấn CO2 mỗi năm trên mỗi ha, chỉ riêng rừng ngập mặn Cà Mau có thể mang lại hàng triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Nếu tỉnh Cà Mau xây dựng được một cơ chế minh bạch, khoa học và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, địa phương này hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung cấp tín chỉ carbon cho khu vực Ðông Nam Á.

Thông tin Doanh nghiệp