CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cá nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long lập kỷ lục giá, tăng 25% trong hai tháng

Invest Global 12:12 06/09/2024

Loại cá này đang được thương lái thu mua từ 50.000-51.000 đồng một kg, tăng giá 25% so với cách đây hai tháng - mức cao nhất từ trước tới nay.

Những ngày qua, giá cá điêu hồng và rô phi tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh, đặc biệt tại An Giang - nơi được xem là thủ phủ của cá điêu hồng. Thương lái đổ xô thu mua với mức giá rất cao.

Ông Xuân Sơn, một hộ nuôi cá ở An Giang, cho biết vừa bán 10 tấn cá điêu hồng với giá 50.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục. Sau vụ này, ông thu được nửa tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 120 triệu đồng.

Ông Hạnh, một chủ ao khác, bày tỏ tiếc nuối khi đã bán hơn chục tấn cá vào tháng 6 với giá 43.000 đồng/kg. "Giờ thương lái trả 50.000-51.000 đồng/kg, nhưng tôi không còn cá để bán", ông chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Thanh Sơn (TX. Tân Châu) đã thả nuôi 5 vèo cá điêu hồng, với mỗi vèo có sản lượng từ 10 - 20 tấn. Tháng 6/2024, ông bán được cá với giá 40.000 đồng/kg, thu về 1,2 tỷ đồng từ 30 tấn cá. Tuy nhiên, so với mức giá hiện nay là 51.000 đồng/kg, ông Sơn tiếc rẻ vì đã mất khoảng 330 triệu đồng.

-2856-1725549875.jpg

Thời gian gần đây, giá cá điêu hồng và rô phi tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng mạnh.

Đối với cá điêu hồng và cá rô phi, ngoài thị trường nội địa, sản phẩm này còn được xuất khẩu mạnh sang nhiều quốc gia, bao gồm Campuchia, Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Bỉ, Ý, và Anh, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 6 triệu USD.

Ông Lê Thanh Tuấn, một thương lái thu mua cá, chia sẻ: "Từ tháng 4 đến tháng 7, thị trường Campuchia tiêu thụ rất nhiều cá chợ như cá lóc, trê, mè vinh, trắm cỏ, đặc biệt là cá điêu hồng và rô phi. Nhu cầu tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng thiếu cá cục bộ, khiến giá cả liên tục leo thang, rất khó mua."

Cá điêu hồng được đánh giá cao bởi chất lượng thịt trắng, thơm ngon, ít xương, hàm lượng mỡ cao, ăn béo và dễ chế biến thành nhiều món ăn như cá hấp, nấu canh riêu, chiên, nướng, luộc, nên rất được ưa chuộng.

Hiện giá cá điêu hồng và rô phi tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 49.000 đến 53.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận từ 9.000-11.000 đồng mỗi kg cho người nuôi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá cá điêu hồng tại ao nuôi đạt 48.000-50.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000-49.000 đồng/kg, tăng 8.000-10.000 đồng so với tháng 6.

Giá bán lẻ cá điêu hồng và rô phi trên thị trường cũng tăng mạnh. Tại An Giang, giá tại các chợ truyền thống dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg. Ở TP HCM, giá sỉ tại chợ đầu mối Bình Điền là 69.000-89.000 đồng/kg tùy loại, trong khi giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đã lên tới 90.000-110.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân giá cá tăng cao, ông Nguyễn Thanh Tuấn, một thương lái tại An Giang, cho biết nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Campuchia, Trung Quốc, EU và Nhật Bản đang thu gom cá với số lượng lớn, nhưng nguồn cung lại đang thiếu hụt. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá thức ăn thủy sản năm ngoái tăng cao và giá thu mua cá thành phẩm lại thấp, khiến nhiều hộ dân giảm sản xuất hoặc chuyển sang nuôi các loài khác, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện tại.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), An Giang là một trong năm tỉnh dẫn đầu về nuôi cá tại Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích nuôi thả 3.300 ha và tổng sản lượng hàng năm đạt 600.000 tấn, trong đó cá điêu hồng và rô phi chiếm vài chục nghìn tấn.

Dù giá cá tăng mạnh, Hiệp hội cho rằng đang tồn tại nguy cơ phá vỡ hợp đồng liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, gây ra sự phát triển thiếu bền vững. Để duy trì sự ổn định trong ngành nuôi cá, cần có sự tham gia điều tiết của cơ quan chức năng, hiệp hội thủy sản và các bên liên quan nhằm cân bằng cung cầu và giảm thiểu các rủi ro.

Bà Trần Thị Lệ, một hộ nuôi cá ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, cũng bày tỏ kiến nghị: “Thời gian qua, giá thức ăn thủy sản tăng cao trong khi giá bán cá lại thấp, khiến người nuôi thua lỗ và nhiều người đã phải bỏ nghề. Tôi đề nghị Nhà nước sớm có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu nhập khẩu và các loại vật tư đầu vào như nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, để người nuôi có thể yên tâm gắn bó với nghề".

Hồng Hương

Môi trường kinh doanh