CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Các ngân hàng trung ương gặp khó trong môi trường nhiều bấp bênh

Invest Global 09:58 11/02/2025

Năm nay, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải dò đường trong một bối cảnh bấp bênh và khó đoán định hơn nhiều so với năm 2024...

Những động thái lãi suất đầu tiên của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong năm 2025 cho thấy năm nay sẽ là năm mà một số ngân hàng trung ương lớn - bao gồm ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển - có thể sẽ hành động trái chiều ở một số thời điểm.

Năm 2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã có cuộc phối hợp cắt giảm lãi suất lớn nhất trong 15 năm, trong bối cảnh tốc độ lạm phát xuống thang nhanh. Nhưng năm nay, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải dò đường trong một bối cảnh bấp bênh và khó đoán định hơn nhiều - theo hãng tin Reuters.

Từ đầu năm đến nay, trong số các ngân hàng trung ương G10, mới có ngân hàng trung của Thụy Điển, eurozone, Anh và Canada là tiếp tục cắt giảm lãi suất, trong khi Nhật Bản - nơi lãi suất hiếm khi tăng -  mới có đợt tăng lãi suất thứ ba trong vòng chưa đầy 1 năm.

G10 là nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, gồm yên Nhật, bảng Anh, đôla Canada, krone Nauy, USD, franc Thụy Sỹ, đôla New Zealand, euro, đôla Australia, và krona Thụy Điển.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Na Uy (NB) đều “án binh bất động” từ đầu năm tới nay, trong khi các ngân hàng trung ương của Australia, New Zealand và Thụy Sỹ chưa có cuộc họp nào.

Động thái lãi suất mới nhất của nhóm G10 diễn ra và tuần vừa rồi, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm về mức 4,5%.

Tổng số lần điều chỉnh lãi suất (biểu đồ trái) và tổng lượng điều chỉnh lãi suất (biểu đồ phải) mỗi tháng của các ngân hàng trung ương nhóm G10 gồm Mỹ, Anh, Australia, Na Uy, New Zealand, eurozone, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Nhật Bản. (1 điểm phần trăm = 100 điểm cơ bản) -  Nguồn: LGSE/Reuters.Tổng số lần điều chỉnh lãi suất (biểu đồ trái) và tổng lượng điều chỉnh lãi suất (biểu đồ phải) mỗi tháng của các ngân hàng trung ương nhóm G10 gồm Mỹ, Anh, Australia, Na Uy, New Zealand, eurozone, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Nhật Bản. (1 điểm phần trăm = 100 điểm cơ bản) -  Nguồn: LGSE/Reuters.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đối mặt với một bối cảnh khó lường khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai bằng một loạt thay đổi lớn, gồm thuế quan mới áp lên hàng hóa nhập khẩu, kế hoạch đảo ngược chủ nghĩa đa phương cùng các quy chế giám sát.

Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã lên cảnh báo về những mối nguy hiểm đối với nền kinh tế nước này từ các chính sách của ông Trump. Ngay cả Fed cũng muốn chờ cho tới khi Nhà Trắng đưa ra những chính sách cụ thể và xác định ảnh hưởng tiềm tàng của các chính sách đó trước khi có bất kỳ động thái nào về lãi suất.

Trong số 18 nền kinh tế mới nổi mà Reuters khảo sát, có 3 ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất và 1 ngân hàng trung ương tăng lãi suất từ đầu năm tới nay. 6 ngân hàng trung ương trong số này chưa họp, và số còn lại đã họp nhưng chưa có động thái gì.

Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm, nhưng lãi suất chính sách của nước này vẫn ở mức cao ngất ngưởng 45%. Nam Phi và Indonesia đều chọn mức giảm lãi suất tối thiểu 0,25 điểm phần trăm.

Trong khi đó, Brazil tăng lãi suất 1 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong cuộc họp tháng 3, dù nước này đang đối mặt lo ngại lớn về nợ nần. Lãi suất tham chiếu của Brazil hiện ở mức 13,25%.

Tổng số lần điều chỉnh lãi suất (biểu đồ trái) và tổng lượng điều chỉnh lãi suất (biểu đồ phải) mỗi tháng của các ngân hàng trung ương nhóm 18 nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Israel, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Columbia, và Chile. (1 điểm phần trăm = 100 điểm cơ bản) - Nguồn: LGSE/Reuters.Tổng số lần điều chỉnh lãi suất (biểu đồ trái) và tổng lượng điều chỉnh lãi suất (biểu đồ phải) mỗi tháng của các ngân hàng trung ương nhóm 18 nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Israel, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Columbia, và Chile. (1 điểm phần trăm = 100 điểm cơ bản) - Nguồn: LGSE/Reuters.

Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) “án binh bất động” từ đầu năm đến nay, để dành dư địa cắt giảm lãi suất cho một cuộc chiến thuế quan căng thẳng với Mỹ.

Nhìn chung, giới phân tích cho rằng lựa chọn tốt nhất cho nhiều ngân hàng trung ương ở thời điểm hiện tại là “chờ xem”, bởi việc cắt giảm lãi suất hay tăng lãi suất trong bối cảnh mọi thứ còn thiếu rõ ràng đều có thể dẫn tới những hệ lụy như lạm phát trỗi dậy hay tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Tài chính - Tín dụng