CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Ở Việt Nam có nhiều mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) đang hoạt động, có mô hình hoạt động đúng nghĩa, song cũng có những mô hình biến tướng. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý áp dụng để bảo vệ cả người đi vay lẫn đảm bảo các doanh nghiệp P2P hoạt động đúng hướng.
Ông đánh giá tiềm năng phát triển của mô hình P2P lending tại Việt Nam ra sao?
Tiềm năng phát triển của P2P lending là rất lớn. Nhất là sau dịch Covid-19 gây nhiều hệ lụy, khiến người lao động mất việc làm tăng, thu nhập giảm sút… Có thể nói là nhu cầu vay của người dân rất cao. Khi họ không tiếp cận được vốn ngân hàng thì sẽ phải vay nóng tín dụng đen.
Như vậy, các P2P Lending với ưu điểm không yêu cầu thế chấp tài sản, chi phí dịch vụ thấp và đặc biệt là thủ tục nhanh gọn sẽ bổ sung tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng Việt Nam đã bị quá tải và giúp người vay vốn không phải tiếp cận kênh tín dụng đen.
Tuy nhiên với sự bát nháo trong hoạt động của các công ty P2P do chưa có hành lang pháp lý đã giảm hiệu quả của hình thức cho vay này, thậm chí những công ty P2P biến tướng đang gây ra hệ lụy không tốt cho người dân, DN và xã hội.
NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có P2P lending. Theo ông, quy định tại Dự thảo đã đủ chặt chẽ để quản lý hiệu quả hoạt động của mô hình này?
Về cơ chế hoạt động thử nghiệm thì theo tôi, bản dự thảo đưa ra các quy định khá đầy đủ và cần thiết trong bối cảnh các hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua App thời gian qua biến tướng với đủ chiêu trò, gây bất ổn cho xã hội.
Tuy nhiên, liên quan đến thời gian thử nghiệm như dự thảo đưa ra là kéo dài khoảng 1-2 năm, theo quan điểm của tôi chỉ nên dừng lại ở mức 1 năm là đủ chứ không nên kéo dài thêm. Bởi sau 1 năm thử nghiệm, NHNN có thể đánh giá được mặt nào được, mặt nào chưa được. Từ đó rút kinh nghiệm để đưa ra quy định pháp luật chính thức để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng và các hoạt động của Fintech khác. Việc kéo dài thêm thời gian thử nghiệm càng lâu càng khiến cho hình thức cho vay trá hình, lừa đảo… có cơ hội gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân.
Ngoài ra, NHNN có thể bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không để cho vay với mức phù hợp.
Bên cạnh đó, NHNN xem xét áp dụng chính sách quản lý theo các cấp độ chứ không nên gộp chung. Hiện mô hình P2P có bốn cấp độ. Một là, công ty ứng dụng công nghệ kết nối người đi vay và cho vay qua App. Hai là công ty kết nối và thẩm định khả năng trả nợ của người vay để thông báo cho người cho vay. Ba là, công ty kết nối, đề xuất lãi suất cho vay, tư vấn quản lý rủi ro, pháp lý thu hồi nợ và cuối cùng là công ty biến tướng huy động vốn của người dân rồi cho vay lại, hoạt động như một ngân hàng. Mỗi cấp độ, NHNN đưa ra các quy định quản lý nội bộ, quản lý rủi ro khác nhau đảm bảo phù hợp, chặt chẽ.
Theo ông, cần cơ chế pháp lý thế nào để giúp công ty P2P hoạt động nghiêm chỉnh, không bị biến tướng?
Trước hết là DN P2P phải đăng ký là hình thức kinh doanh có điều kiện, được cơ quan quản lý cấp phép, phải khai báo chính xác nguồn gốc vốn đầu tư, phòng ngừa rửa tiền và đầu tư nước ngoài trái phép... Không chỉ cấp phép, cơ quan quản lý còn giám sát kiểm tra như thực hiện đối với các TCTD. Còn nếu phát hiện đối tượng cá nhân, công ty nào tham gia P2P không có giấy phép, hoạt động trá hình phải được xử lý rất nghiêm, có thể hình sự hóa truy tố nếu phạm luật ở mức độ cao...
Xin cảm ơn ông!