CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNNV) khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, sáng nay, ngày 10/7/2020, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng doanh số bán hành trên Amazon và Tiki”.
Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện Hà Nội có khoảng 290.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DNNVV chiếm 97%, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố, đóng trên 30% vào ngân sách, 40% GDP và tạo ra 60% việc làm của Hà Nội.
Tuy nhiên, chính quyền cần đặc biệt quan tâm hơn nữa. Từ khi Luật hỗ trợ DNNVV ra đời, Trung tâm hỗ trợ DNNVV đã tham mưu, ban hành nhiều đề án hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều chính sách được đẩy mạnh. Hiện tại, DNNVV cần hỗ trợ những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại và tạo thuận lợi cho DN về mặt bằng đất đai….
Ông Quân khẳng định, qua dịch COVID-19, càng chứng tỏ hoạt động của DN, đặc biệt DNNVV trên môi trường mạng là xu hướng tất yếu. Thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Do đó, cần thiết phải hỗ trợ, đẩy mạnh cho DN trong việc phát triển trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) để gia tăng giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc bán hàng toàn cầu Amazon tại Việt Nam cho biết, thông qua nền tảng Amaron, có nhiều DNNVV có thông tin trên toàn cầu, tiếp cận được với khách hàng trên toàn cầu.
“Không thể phủ nhận, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Các nước trên thế giới hầu như đã bắt đầu tái khởi động nền kinh tế, mở cửa biên giới. Rõ ràng cơ hội phát triển trên TMĐT ngày càng mạnh mẽ, xu thế thay đổi nhanh, mình không làm thì sẽ có người khác làm ngay”, ông Thủy khẳng định.
Giám đốc bán hàng toàn cầu Amazon tại Việt Nam cho hay, theo số liệu báo cáo từ trước khi có đại dịch COVID-19, quy mô TMĐT xuyên biên giới sẽ vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới. Trong đó, thương mại bán lẻ vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ TMĐT xuyên biên giới dự báo sẽ tăng gấp 6 lần.
Theo ông Thủy, sau đại dịch, Amazon đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu phi mã trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, đây là thị trường ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 và tại Mỹ người dân đều chỉ sử dụng Amazon.
Mấy năm trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng liên tục mức 2 con số. Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài cho sản xuất vì chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhu cầu mua hàng “made in Việt Nam” ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, chúng vẫn còn nỗi trăn trở đó là làm sao để giúp DN gia tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu? Bởi sản phẩm làm gia công thì lợi nhuận rất nhỏ (khoảng dưới 5%), chưa kể rất phụ thuộc vào người mua hàng.
Do đó, "TMĐT là công cụ cực kỳ hiệu quả để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Việc xây dựng thương hiệu toàn cầu giúp cho DN gia tăng giá trị sản phẩm, làm cho giá trị sản phẩm tăng gấp bội lần", ông Thủy khẳng định.