CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

CEO Nguyễn Tử Quảng lý giải sự trì trệ của dự án máy thở "Made in Vietnam" do BKAV sản xuất

Invest Global 08:10 05/08/2021

Sau hơn 1 năm không có bất cứ thông tin gì, mới đây CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã chính thức lên tiếng về máy thở do hãng này sản xuất.

Hồi tháng 4/2020, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng lần đầu tuyên bố sẽ tham gia sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19. "Mấy ngày qua nhiều Bfans hỏi sao Bkav không tham gia sản xuất máy thở. Giờ là lúc tôi có thể vui mừng thông báo, Bkav đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập giúp điều trị bệnh nhân COVID-19", ông Quảng viết trên mạng xã hội.

Qua đó, BKAV sẽ sản xuất hai model máy thở khác nhau. Model đầu tiên là PB560, được thiết kế bởi hãng Medtronic (Mỹ) mà BKAV có thể xin cấp phép để sản xuất. Theo công bố của BKAV ở thời điểm đó, những chiếc máy thở PB560 đầu tiên "dự kiến sẽ ra lò vào giữa tháng 5 để xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế".

Model máy thở thứ hai là BAC385. Khác với PB560, BAC385 được BKAV tự thiết kế với sự phối hợp cùng các bác sỹ đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Chưa dừng lại ở đó, CEO BKAV còn nói rằng sẽ "sẵn sàng sản xuất máy thở phi lợi nhuận cho mục đích chống dịch".

Máy thở BAC385 do BKAV thiết kế cùng các bác sĩ đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Thế nhưng, sau một vài bài đăng lên mạng xã hội hồi giữa năm 2020, ông Nguyễn Tử Quảng và BKAV bỗng dưng "im bặt" về máy thở trong suốt hơn một năm vừa qua. Là một người rất năng nổ trên mạng xã hội, vậy nhưng ông Quảng không có bất kỳ cập nhật gì mới về dự án này, mặc cho sự quan tâm của rất nhiều người dùng, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 tại Việt Nam có những diễn biến nghiêm trọng kể từ cuối tháng 4 năm nay.

Phải tới ngày hôm nay, 04/08/2021, CEO BKAV mới đưa ra những thông tin mới nhất về máy thở do hãng này chế tạo. Cụ thể, ông Quảng cho biết lý do dẫn đến sự trì trệ này là bởi quá trình kiểm định sản phẩm cần nhiều thời gian.

"BAC385 là thiết bị y tế do Bkav phát triển, đã đạt chứng nhận ISO 13485:2017 cho quy trình sản xuất, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp. Tuy nhiên, để được lưu hành sử dụng, thiết bị cần đạt các chuẩn kỹ thuật. Quá trình liên tục nghiên cứu và nâng cấp, sau nhiều tháng hoàn thiện sản phẩm. Bkav đã phối hợp với đơn vị kiểm định Vinacontrol, đo kiểm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến nay, thiết bị đã được hiệu chỉnh và ĐẠT CHUẨN."

Ông Quảng không quên so sánh máy thở của BKAV với sản phẩm của "một số đơn vị" khác, đưa ra nhận định máy thở của "một số đơn vị" là lắp ráp trên thiết kế và linh kiện có sẵn, còn BAC385 là kết quả của quá trình tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất nên cần nhiều thời gian và công sức hơn. Bù lại, BAC385 sẽ có "sự chủ động trong nước và giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều lần".

Tuy nhiên, CEO BKAV lại không đề cập gì tới PB560, một mẫu máy thở dựa trên thiết kế có sẵn của Medtronic từng được công bố hồi năm ngoái, mặc cho việc BKAV hứa hẹn sẽ cho ra lò lô đầu tiên vào tháng 5 (năm ngoái).

Hình ảnh về BAC385 được CEO BKAV đính kèm bài đăng được chụp từ tháng 11/2020

Do đã trì trệ tới hơn 1 năm, cộng thêm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam, vậy nên BKAV đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khẩn cấp cho BAC385. "Mong rằng thiết bị sớm được cấp phép lưu hành trong thực tế", CEO BKAV viết.

Hồi năm ngoái, khi mới công bố dự án máy thở, BKAV từng tuyên bố "9000 công nhân và 04 nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng". Cộng thêm tuyên bố "sẵn sàng sản xuất máy thở phi lợi nhuận" trước đó, hãy cùng hy vọng rằng những chiếc máy thở của BKAV sẽ kịp đưa vào mục đích chống dịch trước khi dịch COVID-19 được dập tắt tại Việt Nam.

Bên cạnh BKAV, một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Vingroup cũng cho biết sẽ sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19. May mắn thay, quá trình sản xuất máy thở của Vingroup không gặp tình trạng trì trệ như BKAV, khi ngay từ tháng 8 năm ngoái, Vingroup đã trao tặng 3.000 máy thở cho Bộ Y tế. Mới đây, Vingroup cũng đã trao tặng 500.000 lọ thuốc Remdesivir, có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.

Theo Tiến Thuận

Pháp luật & bạn đọc

Thông tin Doanh nghiệp