CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

CGV “thoi thóp”

Invest Global 08:02 13/06/2021

Enternews.vn Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến các ngành giải trí nói chung và các rạp chiếu phim nói riêng gần như “chết lâm sàng”, trong đó có Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV).

Đến nay, CGV gần như đã phải đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim trên cả nước để phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến 8/5/2021, CGV đã đóng cửa 68/81 rạp chiếu phim để phòng chống dịch. Ảnh: V.Tuấn

Kiệt quệ vì COVID-19

CGV có thị phần rạp chiếu phim lớn nhất tại Hàn Quốc, với hơn 100 rạp chiếu và 1.000 phòng chiếu. CGV từng đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.000 tỷ won (khoảng 95 tỷ USD) vào năm 2020, trong đó 70% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. CGV đã mở rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Năm 2011, CGV mua lại phần lớn cổ phần tại MegaStar, mở đường cho kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực giải trí tại Việt Nam. CGV coi Việt Nam là thị trường chiến lược, để từ đó vươn rộng ra các nước ASEAN.

CGV đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 200 triệu USD để nâng cấp và mở rộng hệ thống chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm cả các thành phố nhỏ và vùng sâu, vùng xa. CGV dự kiến mở 12 -15 rạp chiếu phim mới mỗi năm, với chi phí từ 4 đến 7 triệu USD mỗi rạp, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025.

Do nắm giữ 50% thị phần ở Việt Nam, nên CGV chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Trong năm 2020, doanh thu của CGV giảm 61% còn gần 1.400 tỷ đồng, số lỗ của CGV tăng đột biến lên hơn 850 tỷ đồng.

Đến ngày 8/5/2021, CGV đóng cửa 68/81 rạp trên cả nước để phòng chống dịch. Do đó, CGV sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu dịch còn kéo dài.

Kêu cứu hỗ trợ

Được biết đầu tháng 5, CGV và các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam đã gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch.

Một số phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị gồm hỗ trợ duy trì lao động, tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) bằng việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cùng những hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh khoản... Cụ thể, hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay, cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn và giảm 50% thuế VAT cho doanh nghiệp điện ảnh và hoãn việc nộp VAT đến hết ngày 31/12/2021…

850 tỷ đồng là khoản lỗ của CGV trong năm 2020, sau khi thua lỗ 158 tỷ đồng trong năm 2019.

Tuy nhiên, phương án hỗ trợ nói trên chỉ là giải pháp trước mắt, vấn đề quan trọng đối với CGV là cần thay đổi để thích nghi với tình hình mới, nếu không, khó khăn sẽ càng lớn.

Thích nghi để tồn tại

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, năm 2020 Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 20 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh Netflix, hai nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn là FPT Play và Galaxy Play cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch. Trong đó, ước tính FPT Play sở hữu tỷ lệ người dùng trực tuyến lớn nhất (39%), Netflix đứng thứ hai (23%)…

Như vậy, việc đưa các phim chiếu rạp lên nền tảng trực tuyến cho thấy các ông lớn trong ngành giải trí chiếu rạp đang phải thích nghi đại dịch để tồn tại, phải chiếu song song trên hai nền tảng điện ảnh và trực tuyến mới có nguy cơ sống sót. Nếu không giải bài toán này, nguy cơ phá sản đối với CGV nói riêng và các doanh nghiệp chiếu phim rạp nói chung là điều tất yếu.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CGV “thoi thóp” tại chuyên mục Doanh nghiệp của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,

Thông tin Doanh nghiệp