CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) – Hôm qua (7-7), Tổng thống Donald Trump đã gửi thư thông báo mức thuế đối ứng mới với 14 nước, trong đó phần lớn là các nước châu Á bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Châu Á sẽ có thêm thời gian đàm phán sau khi ông Trump đã chuyển thời hạn áp thuế đối ứng sang ngày 1-8.
Mỹ lùi ngày áp thuế đối ứng đến ngày 1-8Thuế đối ứng: Sớm hành động sau tín hiệu tích cực ban đầu
Trong đợt thư đầu tiên gửi cho các đối tác thương mại quan trọng, Tổng thống Trump thông báo áp mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc. So với mức thuế công bố hôm 2-4, mức thuế này vẫn giữ nguyên đối với Hàn Quốc nhưng tăng thêm 1% đối với Nhật Bản.
Các nước châu Á khác cũng nhận được thư thông báo thuế đối ứng mới là Thái Lan (36%), Malaysia (25%), Indonesia (32%, Bangladesh (35%), Campuchia (36%), Myanmar (40%), Lào (40%), Kazakhstan (25%). Nhìn chung, các mức thuế này giảm vài phần trăm hoặc giữ nguyên so với những gì đã công bố đầu tháng Tư. Chỉ riêng Malaysia, thuế tăng thêm 1%.
Trong thư, ông Trump cũng cảnh báo tăng thuế thêm nếu các nước áp thuế trả đũa.
Cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng ký một sắc lệnh hành pháp lùi thời điểm áp thuế đối ứng đến ngày 1-8, thay vì 9-7 như kế hoạch ban đầu.
Điều này có nghĩa là các nền kinh tế châu Á vẫn nằm trong tầm ngắm áp thuế của Mỹ trong khi có thêm hơn ba tuần để đàm phán mức thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, việc được thỏa thuận thương mại với Mỹ càng trở nên phức tạp vì viễn cảnh nước này áp dụng thuế quan riêng cho từng ngành đối với các sản phẩm bao gồm ô tô, chip và dược phẩm, vốn là những ngành công nghiệp quan trọng đối với các nền kinh tế trên khắp châu Á.
“Thật đáng tiếc khi Mỹ công bố mức thuế quan cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi tích cực tìm kiếm khả năng đạt được thỏa thuận có lợi cho cả Nhật Bản và Mỹ”, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu về tình hình hiện tại với các bộ trưởng nội các tại một cuộc họp ở Tokyo vào sáng 8-7.
Hàn Quốc cho biết sẽ sửa đổi các quy tắc và quy định để giải quyết các yêu cầu của Mỹ về việc hạ thấp các rào cản phi thuế quan.
“Chúng tôi xem thư thông báo thuế quan là sự gia hạn thực tế cho thời gian ân hạn để áp dụng thuế đối ứng đến ngày 1-8”, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết và cam kết sẽ đẩy nhanh đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, nhưng cả hai nước đang phải đối mặt với các tình huống trong nước phức tạp, trong đó việc nhượng bộ trong các thỏa thuận thương mại có thể gây rủi ro về mặt chính trị.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung chỉ mới nhậm chức vào ngày 4-6 và cuộc bầu cử tại thượng viện Nhật Bản vào cuối tháng này đã khiến chính phủ của ông Ishiba không muốn nhượng bộ Mỹ quá nhiều.
Trong một tuyên bố, Bộ Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia khẳng định, Malaysia cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ, hướng tới một thỏa thuận thương mại cân bằng, cùng có lợi và toàn diện. Theo bộ này, Malaysia sẽ tiếp tục thảo luận với Mỹ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, làm rõ phạm vi và tác động của các mức thuế đã công bố và theo đuổi các con đường để kết thúc đàm phán kịp thời.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn lạc quan về việc đảm bảo mức thuế hơn mức 36% do Tổng thống Donald Trump công bố sau khi nước này xuất giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết hàng hóa của Mỹ xuống 0, theo Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira.
Trao đổi một kênh truyền hình địa phương hôm 8-7, ông Chunhavajira nói Thái Lan hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán thương mại với Mỹ trước thời hạn 1-8.
Hôm 6-7, Thái Lan đưa ra các đề xuất thúc đẩy khối lượng thương mại song phương và giảm 70% thặng dư thương mại 46 tỉ đô la với Mỹ trong vòng năm năm. Các đề xuất còn bao gồm khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn đối với hàng nông sản và công nghiệp của Mỹ, cũng như tăng mua năng lượng và máy bay chở khách của Boeing.
Tổng thống Trump cho biết thời hạn 1-8 không phải chắc chắn 100%, mở ra khả năng cho các nước có thêm thời gian đàm phán.
Chỉ số chứng khoán khu vực MSCI của Châu Á ghi nhận mức tăng khiêm tốn trong phiên giao dịch đầu ngày 8-7 khi cổ phiếu tại Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 0,3%. Hợp đồng tương lại của chỉ số S&P 500 ở Mỹ giảm nhẹ sau khi chỉ số này thoái lùi 0,79% trong phiên giao dịch 7-7. Đồng yen tăng nhẹ sau khi ghi nhận mức giảm lớn nhất so với đô la Mỹ trong gần hai tháng trong phiên giao dịch hôm trước trước.
“Nếu được áp dụng, mức thuế đối ứng mới công bố của Mỹ có thể sẽ tác động tiêu cực lớn đến các công ty Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô. Tác động tiêu cực đó có thể lan rộng lên các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng ô tô ở Nhật Bản”, James Halse, CEO công ty Senjin Capital nói
Nhật Bản ban đầu được coi là đối tác triển vọng cho một thỏa thuận nhanh chóng, nhưng các cuộc đàm phán với Mỹ bế tắc do rào cản về thuế ô tô. Lĩnh vực này chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản trong khi là động lực tăng trưởng chính của Tokyo.
Theo Bloomberg