CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng gần 14% nhưng thị trường vẫn đối mặt với nhiều biến động phức tạp, khi những đợt tăng giảm đan xen khiến không ít nhà đầu tư mất kiên nhẫn và quyết định rời khỏi cuộc chơi. Các chuyên gia đã có phân tích, đánh giá về các chiến lược đầu tư tối ưu, nhận diện yếu tố có thể tiếp tục thúc đẩy đà tăng của thị trường thời gian tới.
Niềm tin vào sự phục hồi kinh tế tác động tới thị trường
Tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô và những ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Phạm Lê Duy Nhân – Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) chia sẻ, sau cuộc họp vào ngày 17 - 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống mức 4,75 - 5%.
Theo đại diện VCBF, dự kiến, FED sẽ tiếp tục giảm thêm hai lần nữa vào cuối năm, đưa lãi suất về mức 4 - 4,25% vào cuối năm 2024. Trong khi đó, lạm phát dự kiến giảm dần và đạt mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2026.
Cùng với việc điều chỉnh lãi suất, FED cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cho năm 2024 xuống mức 2%, và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 4,4% vào cuối năm. Dù vậy, theo Chủ tịch FED, nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự ổn định, đặc biệt là ở thị trường lao động, và không có nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách kinh tế Mỹ mà còn tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp nhiều khó khăn với tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân và bất động sản giảm mạnh. Dù Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế, hy vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ vẫn còn hạn chế. Tình hình kinh tế Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị toàn cầu là những yếu tố vĩ mô có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng là sự kiện quan trọng, có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và Việt Nam. Dù kết quả như thế nào, Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội nhất định trong dài hạn.
Về triển vọng kinh tế trong nước, ông Phạm Lê Duy Nhân đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, và các động lực tăng trưởng vẫn được duy trì. Lĩnh vực sản xuất đang tăng trưởng mạnh nhờ vào xuất khẩu, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 9% trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chỉ số PMI trong tháng 9 có sự giảm nhẹ, phần lớn do tác động ngắn hạn của cơn bão số 3.
Đại diện VCBF cho biết, tỷ giá hối đoái ổn định và áp lực lạm phát đã giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng gia tăng. Dù rủi ro về nợ xấu ngân hàng vẫn còn, triển vọng cải thiện có thể được thấy nhờ sự phục hồi của thanh khoản trên thị trường bất động sản.
Tiêu dùng nội địa cũng đang có dấu hiệu khởi sắc khi việc làm và thu nhập tăng, kết hợp với sự sôi động của thị trường chứng khoán. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 5,3%, nhưng xu hướng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đặc biệt, du lịch quốc tế đang trở thành động lực chính, khi lượng khách đã vượt qua mức của năm 2019.
Trong lĩnh vực đầu tư, giải ngân đầu tư công đã đạt 49,5% kế hoạch, và được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào cuối năm nhờ các dự án hạ tầng trọng điểm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng 8%, đạt 14,2 tỷ USD, cùng với mức tăng đáng kể của đầu tư tư nhân, lên tới 670%, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế đang dần được củng cố.
Chiến lược đầu tư dài hạn hiệu quả
Về triển vọng thị trường quý IV và năm 2025, ông Phạm Lê Duy Nhân cho rằng, dù bối cảnh vĩ mô thuận lợi, thị trường vẫn dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm từ tháng 3. Theo nghiên cứu của VCBF, thị trường đã phản ánh trước các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô. Mức 1.300 điểm thường so sánh với giai đoạn 2021-2022 khi VN-Index đạt 1.400-1.500 điểm.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng và công nghệ đã vượt đỉnh, chỉ còn các nhóm lớn như năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn thấp hơn so với đỉnh cũ, làm cho chỉ số chung trông có vẻ chưa bứt phá.
Về định giá, P/E hiện tại của thị trường khoảng 15,8 lần, xấp xỉ mức trung bình 10 năm qua, không quá cao nhưng cũng không rẻ. Nhóm ngân hàng chiếm 40% VN-Index có mức định giá khoảng 10 lần, trong khi nhóm phi ngân hàng có mức định giá trung bình khoảng 20 lần, cho thấy nhóm này không rẻ và cần thời gian để tăng trưởng lợi nhuận bù đắp giá hiện tại.
Cũng theo vị chuyên gia này, cơ hội vẫn lớn hơn rủi ro, với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 20% vào năm 2024 và giảm nhẹ vào 2025. Thị trường có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE, và khi FED giảm lãi suất, dòng vốn ngoại có thể quay lại, giúp cải thiện định giá.
Về chiến lược đầu tư cho cá nhân trong bối cảnh thị trường biến động, bà Lê Thị Minh Huệ - Giám đốc Phát triển mạng lưới khu vực phía Nam của VCBF nhận định, thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng tăng trưởng liên tục. Ví dụ, từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 14%, nhưng chủ yếu dao động từ 1.200 đến 1.300 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn.
Bà Lê Thị Minh Huệ khuyến nghị, khi thị trường hoặc chứng chỉ quỹ ở mức giá thấp, đó là thời điểm tốt để mua, vì với cùng số tiền, nhà đầu tư sẽ mua được nhiều tài sản hơn. Tuy nhiên, nhiều người lại có tâm lý chờ thị trường tăng mạnh mới mua hoặc mua theo xu hướng tăng, dẫn đến rủi ro cao.
Bà Huệ khuyên nhà đầu tư không chuyên hoặc ít thời gian theo dõi thị trường nên đầu tư đều đặn và có kỷ luật. Chiến lược này giúp giảm thiểu rủi ro và đạt được mức giá trung bình tốt hơn trong dài hạn, đồng thời hình thành thói quen tích lũy hiệu quả./.