CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chính sách thương mại thời Trump 2.0: Lạc quan nhưng không chủ quan

Invest Global 09:34 28/12/2024

Năm 2025, chính sách thương mại của chính quyền Trump 2.0 dự báo sẽ tác động đến nhiều mặt hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày và túi xách.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, đến hết tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ đạt khoảng 109,1 tỷ USD, tăng 20,13% so với năm trước và chiếm 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 99,9 tỷ USD, chiếm 4,13% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Gỗ nội thất là mặt hàng xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ

Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 90,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Các mặt hàng trong top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt là đồ gỗ nội thất; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa; giày dép…

Với con số xuất nhập khẩu khả quan trên, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; ngược lại Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Là một trong những lĩnh vực nằm trong top 15 ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt vào Hoa Kỳ, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định: năm 2025, dưới chính quyền Tổng thống Trump 2.0, doanh nghiệp trong ngành lạc quan nhưng không chủ quan. Đến nay, qua khảo sát nhanh, đơn hàng xuất đi Hoa Kỳ của các doanh nghiệp lớn vẫn tương đối ổn định, đảm bảo cho sản xuất đến hết quý 1 năm 2025.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ở các thị trường nói chung, sự ổn định này không bền vững bởi nếu có sự cố, đối tác vẫn có thể huỷ đơn hàng. Do đó, trong giai đoạn thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện nay, doanh nghiệp luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đối phó.

Theo Phó Chủ tịch Lefaso, trên 90% sản phẩm da giày túi xách của Việt Nam là xuất khẩu nên sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường thế giới hiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Với chính quyền Tổng thống Trump 2.0 thách thức và lợi thế đan xen nhưng cân đối giữa hai yếu tố này thì về cơ bản, ngành vẫn giữ được vị thế so với các nước khác.

Ngành da giày lạc quan nhưng không chủ quan trước những chính sách thương mại mới có thể tác động đến tăng trưởng xuất khẩu

Liên quan đến chính sách mới dự kiến có thể được chính quyền mới tại Hoa Kỳ trong thời gian tới áp dụng là đưa sản xuất trở về trong nước, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng khó khả thi với ngành da giày bởi một số lý do.

Thứ nhất, dù ngành da giày có mức độ tự động hoá cao, nhất là ở các doanh nghiệp FDI song đây vẫn là ngành sử dụng nhiều lao động. Do vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế chi phí nhân công.

Thứ hai, chuỗi cung ứng của ngành rất phức tạp. Chẳng hạn với doanh nghiệp có quy mô trung bình khoảng 5.000 lao động, sau 3 năm sản xuất đã có trên dưới 100.000 mảng nguyên liệu.

Thứ ba, giá thành sản xuất tại Việt Nam theo tính toán khá cạnh tranh. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng hiện nay, dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự chủ được nguyên liệu sản xuất trong nước nhưng cũng chỉ chiếm từ 25-30% giá trị, 65% -70% giá trị vẫn nằm ở các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp trong ngành vẫn nhìn thấy lợi thế và cơ hội tăng trưởng. Chỉ có điều, dù chính sách trong thời gian tới thế nào, doanh nghiệp phải định hướng phát triển theo hướng khác.

Không chỉ Hoa Kỳ mà các nước có FTA với Việt Nam đang có xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật. Trong thời gian tới, doanh nghiệp không chỉ cần vượt qua những chính sách thương mại mới mà còn phải lưu tâm, đầu tư để hoá giải thách thức đến từ những hàng rào kỹ thuật như yêu cầu sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Quốc tế