CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chủ động kiến tạo để Việt Nam tham gia 'cuộc chơi mới'

Invest Global 09:46 05/01/2023

Năm 2023, những thách thức từ bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới phát triển kinh tế Việt Nam. Điều này đòi hỏi công tác tham mưu, thiết kế, dự báo chính sách rất quan trọng để "biến nguy thành cơ", giúp đất nước vượt lên.

Chính vì vậy, tham dự Hội nghị Tổng kết công tác 2022 – Triển khai kế hoạch 2023 của Ngành KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 3/1.

Vai trò "kinh tế trưởng"

Vượt qua những khó khăn, năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%). Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện.

-6001-1672820020.png

Ngành KH&ĐT cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách.

Để đạt được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang “trỗi dậy” trong khu vực Đông Nam Á hấp dẫn dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là xu hướng khởi nghiệp sáng tạo, với số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023-2025 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023-2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

“Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Làm tốt công tác phối hợp với nhiều đối tác như GIZ, Google, Amazon, Meta; Đại học Quốc gia Singapore, Đại học công nghệ Nanyang; các Quỹ đầu tư: Binance, Cypher, Greylock, Sequoia, Golden Gate Ventures, Do Ventures… để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT có vai trò là đầu mối tổng hợp phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô, tham mưu mục tiêu điều hành hàng năm. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận mỗi một chính sách kinh tế vĩ mô có tác động tới từng khu vực, nhóm doanh nghiệp cụ thể, có chính sách tích cực nhưng có chính sách không tích cực. Điều này đòi hỏi Bộ KH&ĐT cần đưa giải pháp đại cục cho nền kinh tế.

Cụ thể, bà Hồng dẫn chứng như lãi suất tăng thuận lợi cho người dân gửi tiền nhưng không thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Điều này rất cần vai trò của Bộ KH&ĐT trong việc đưa ra giải pháp cân đối, hài hòa lợi ích và tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế.

Mặt khác, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, với doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thì chắc chắn sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhưng với các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, dẫn tới gặp phải tình cảnh khó khăn. Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn Bộ KH&ĐT thiết kế chính sách cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi chính sách tổng thể đa dạng, tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt áp lực, cũng như phàn nàn của người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng.

Nỗ lực "biến nguy thành cơ"

Đặc biệt, liên quan tới giải pháp phát triển kinh tế số, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận với hoạt động tín dụng muốn chuyển đổi số, có nghĩa doanh nghiệp không cần đến tận nơi và ngân hàng thông qua mạng để phê chuẩn khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có hai câu hỏi mà ngân hàng phải biết: doanh nghiệp đó là ai, doanh nghiệp đó có khả năng trả nợ không thì mới thực hiện được chuyển đổi số tín dụng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành xác thực khách hàng cá nhân, còn về phía khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ mong muốn Bộ KH&ĐT có hệ thống dữ liệu nắm bắt từ khi doanh nghiệp "sinh ra", có hệ thống thông tin về doanh nghiệp kết nối hệ thống ngân hàng một cách phong phú, đáng tin cậy. Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tín dụng.

Vì vậy, tại Hội nghị Tổng kết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, ngành KH&ĐT cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, xây dựng cơ chế, thể chế thúc đẩy hợp tác công-tư; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; công tác truyền thông chính sách; công tác triển khai các quy hoạch; công tác xây dựng, lập kế hoạch, giải ngân, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát đầu tư công...

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1.

Thủ tướng phân tích, qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là hết sức quan trọng; có nền kinh tế độc lập, tự chủ thì mới có điều kiện để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện được chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết với trọng trách kiến thiết chính sách phát triển kinh tế, Bộ KH&XH xác định hai phương châm trong năm 2023 là đuổi kịp, tiến cùng, vượt lên ở một số lĩnh vực; chủ động kiến tạo để Việt Nam tham gia cuộc chơi mới, nắm giữ tương lai. Đồng thời, Bộ sẽ dự báo chính sách, hợp tác tham mưu cải cách hành chính; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khơi thông điểm nghẽn, thu hút FDI hiệu quả…

-6266-1672820020.png

Ông Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL

Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Bộ KH&ĐT ban hành sớm chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế ban đêm, phục vụ thị hiếu khách du lịch quốc tế, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, nếu chỉ dựa vào đầu tư công không đủ mà cần huy động nguồn lực xã hội cho phát triển các công trình văn hóa. Bộ VH-TT&DL kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét sửa đổi luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, làm sao có thể huy động nguồn lực bên ngoài vào lĩnh vực văn hoá – xã hội. Đồng thời, xem xét các bộ luật có liên quan khác như Luật Thuế, khuyến khích hoạt động tài trợ trong lĩnh vực văn hóa.

-5789-1672820020.png

Bà Trần Tuệ Hiền

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai chính sách bổ sung tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ với thủ tục đơn giản nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thêm nguồn ngân sách Trung ương cho địa phương trong việc xây dựng các dự án hạ tầng, từ đó nhằm phát triển kinh tế địa phương.

-8221-1672820020.png

Ông Cao Tường Huy

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Chúng tôi thấy rằng kinh nghiệm thu hút đầu tư ngoài xã hội rất cần thiết để huy động sức mạnh toàn xã hội như dự án đường cao tốc từ Hải Phòng sang Quảng Ninh... Để đón được dòng đầu tư cần giải phóng mặt bằng sạch, tỉnh cần bỏ tiền ra thực hiện công tác này; cải cách hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư trong mọi công tác... Đây cũng là thành công trong thu hút FDI.

Lê Thúy 

Môi trường kinh doanh