CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chủ tịch Pandora: Việt Nam sẽ là thị trường quan trọng với các nhà sản xuất trang sức quốc tế

Invest Global 08:43 22/05/2024

Ông Alexander Lacik, CEO kiêm Chủ tịch Pandora khẳng định, nhu cầu trang sức ngày càng tăng, nhiều thợ thủ công khéo tay là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam.

Đó là khẳng định của ông Alexander Lacik, CEO kiêm Chủ tịch Pandora, về vị thế của Việt Nam trong ngành trang sức. Theo đó, nhu cầu trang sức ngày càng tăng, nhiều thợ thủ công khéo tay là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam.

Pandora, thương hiệu trang sức lớn trên thế giới, khởi công xây nhà máy 150 triệu USD tại Bình Dương vào ngày 16/5. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ vận hành từ 2026. Đặt tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 (VSIP III), nhà máy có diện tích hơn 50.000 m2, trong khuôn viên khoảng 7,5 ha. Đây là cơ sở chế tác trang sức thứ tư của hãng trên thế giới và đầu tiên bên ngoài Thái Lan.

Ông Alexander Lacik, CEO kiêm Chủ tịch Pandora có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn và báo giới bên lề lễ động thổ.

Chào ông, vì sao Pandora lại quyết định chọn Bình Dương để đầu tư dự án 150 USD? Bình Dương và Việt Nam có những lợi thế nào so với các quốc gia mà tập đoàn đã tìm hiểu? Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Pandora khi chọn địa điểm xây nhà máy thứ 4?

Ông Alexander Lacik: Lý do chúng tôi quyết định xây dựng nhà máy thứ 4 của chúng tôi trên toàn thế giới tại Việt Nam là dựa trên nghiên cứu toàn cầu sâu rộng tại 27 quốc gia. Chúng tôi đã cân nhắc 13 tiêu chí khác nhau và cuối cùng Việt Nam vươn lên dẫn đầu. Cụ thể, điều quan trọng đối với chúng tôi trước hết là khả năng tiếp cận thợ thủ công khéo tay tại Việt Nam.

Thứ hai là sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chính phủ cũng như sự tập trung vào phát triển bền vững. Và tiêu chí thứ ba là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt. Việt Nam nói riêng trong khu vực đang đầu tư rất nhiều vào đường sá và vận tải đường biển và đường hàng không.

Ông Alexander Lacik, CEO kiêm Chủ tịch Pandora. Ảnh: Đỗ Lan

Ông Alexander Lacik, CEO kiêm Chủ tịch Pandora. Ảnh: Đỗ Lan

Được biết nhà máy sẽ được vận hành theo các tiêu chuẩn, công nghệ và thực hành xanh và bền vững cao nhất. Việc này sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra tại Việt Nam? Ông có thể chia sẻ thêm các thông tin chi tiết liên quan đến các tiêu chuẩn, công nghệ và thực hành mà nhà máy sẽ tuân thủ không?

Ông Alexander Lacik: Với Pandora, điều này còn hơn như vậy. Chúng tôi rất tham vọng về các mục tiêu bền vững của mình và điều nàycũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ và cung cấp. Như các bạn có thể đã biết tại Thái Lan, chúng tôi cũng đã thiết lập tiêu chuẩn cho tất cả các nhà máy của mình.

Tất cả các nhà máy chính của chúng tôi đều tuân thủ tiêu chuẩn LEED, bộ chuẩn công trình xanh của Mỹ. Vì thế khi đến Việt Nam, đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm.

Chúng tôi đang thiết kế nhà máy của mình theo tiêu chuẩn cao hơn về tiết kiệm năng lượng, về tính bền vững với tiêu chuẩn LEED. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo để vận hành tất cả các nhà máy của mình. Có một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng tôi thực hiện điều này.

Trước hết, chúng tôi sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các tòa nhà, nhưng chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Các nguồn năng lượng tái tạo này cũng là những gì chúng tôi đangtìm kiếm khi thiết kế tòa nhà và vận hành quy trình sao cho thật bền vững, đảm bảo lượng phát thải carbon thấp nhất.

Trong quá trình chuẩn bị dự án này, Pandora đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Dương? Có vấn đề gì liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư mà ông thấy có thể gợi ý thêm cho chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Dương để hỗ trợ Pandora và các tập đoàn đầu tư quốc tế hơn nữa?

Ông Alexander Lacik: Trước hết, Pandora rất biết ơn tất cả sự hỗ trợ mà chúng tôi đã nhận được từ chính quyền trung ương, đặc biệt là từ chính quyền tỉnh Bình Dương ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi thay mặt Pandora xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể các cơ quan chính quyền trung ương và đặc biệt là tỉnh Bình Dương.

Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động khi nào? Sản lượng sản xuất là bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm dành để xuất khẩu và bao nhiêu sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước? Nhà máy sẽ thu hút bao nhiêu lao động?

Ông Alexander Lacik: Chúng tôi hy vọng nhà máy sẽ hoàn thành toàn bộ và bắt đầu sản xuất kể từ quý I/2026. Công suất sẽ là khoảng 60 triệu sản phẩm mỗi năm, có thể so sánh với công suất 130 triệu sản phẩm tại Thái Lan hiện nay.

Khi đi vào hoạt động toàn bộ, nhà máy sẽ tuyển dụng tới 7.000 lao động. Vì thị trường tiêu thụ Việt Nam chưa được cao nên một phần sẽ tiêu thụ nội địa, nhưng phần lớn là dành cho xuất khẩu.

Ông có thể cho biết đánh giá của ông về nhu cầu và tiềm năng của thị trường trang sức Việt Nam? Đặc biệt là tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm trang sức của Pandora tại Việt Nam?

Ông Alexander Lacik: Tại Việt Nam, cũng như nhiều thị trường khác tương tự trên thế giới, chúng ta có thể thấy tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Vì vậy, nhu cầu mua sắm trang sức nói chung ngày càng tăng hàng năm.

Tôi không có số liệu thống kê cụ thể nào ngoài việc nhìn vào sự tăng trưởng của chúng tôi. Trong 5, 10, 15 năm tới, Việt Nam sẽ là một thị trường khá quan trọng đối với các nhà sản xuất trang sức trên thế giới.

Được biết nhà máy này của Pandora sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch sử dụng năng lượng này? Pandora sẽ đầu tư vào điện mặt trời hay mua điện của các bên khác?

Ông Alexander Lacik: Tất nhiên, nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên sẽ là năng lượng mặt trời mà chúng tôi sẽ lắp đặt trên mái nhà của tất cả các nhà máy của mình, sau đó chúng tôi sẽ hợp tác với VSIP để có thêm nguồn năng lượng mặt trời. Và cuối cùng là chúng tôi cũng sẽ xem xét các nguồn năng lượng tái tạo khác ở Việt Nam.

Xin ông chia sẻ về sự tương đồng và khác biệt giữa nhà máy của Pandora tại Bình Dương Việt Nam và nhà máy ở Thái Lan? Cụ thể, quy mô sản xuất và các chức năng chính của mỗi nhà máy này được tổ chức ra sao?

Ông Alexander Lacik: Tôi sẽ giải thích một chút về việc sắp xếp sản xuất hiện tại của các nhà máy ở Pandora. Chúng tôi có ba nhà máy ở Thái Lan, trong đó hai nhà máy ở Bangkok và một ở phía bắc Thái Lan. Và bây giờ nhà máy thứ tư của chúng tôi là ở Việt Nam.

Các bạn có thể thắc mắc vì sao chúng tôi lại chia ra nhiều nhà máy sản xuất như vậy. Trước tiên, hầu hết các nhà máy có thể sản xuất tất cả các loại sản phẩm. Nhưng tất nhiên, khi lựa chọn nhà máy nào để sản xuất sản phẩm nào, chúng tôi sẽ đánh giá giá trị và thế mạnh của từng nhà máy.

Chúng tôi sẽ xem xét để tối ưu hóa năng suất, hiệu quả và tính linh hoạt của từng nơi. Đây là cách chúng tôi sẽ quản lý các nhà máy như một phần của mạng lưới cung ứng toàn cầu Pandora

Rất ấn tượng khi Pandora sẽ chi thêm 10 triệu USD mỗi năm để mua vật liệu tái chế. Xin ông chia sẻ về việc nguồn cung ứng bạc và vàng tái chế có thể lấy từ quốc gia nào? Và ông có dự định sử dụng nguồn cung ứng tái chế ở Việt Nam không?

Ông Alexander Lacik: Như tất cả chúng ta đều biết, Pandora đã công bố rằng chúng tôi đang sử dụng nguồn cung ứng 100% bạc và vàng tái chế cho tất cả các sản phẩm của mình. Vậy nên tất nhiên khi chúng tôi vào Việt Nam thì điều này vẫn sẽ được thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng 100% bạc và vàng tái chế để sản xuất tại Việt Nam.

Về câu hỏi nguồn cung ứng 100% bạc và vàng tái chế có thể lấy ở đâu, chúng tôi đang sử dụng nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc nổi tiếng toàn cầu và họ cũng được chứng nhận của RJC - Hội đồng Trang sức có trách nhiệm. Và tất cả những điều này có thể được truy xuất nguồn gốc và thực sự đạt tiêu chuẩn cao nhất về vật liệu tái chế, đặc biệt là bạc và vàng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến chuyên gia