CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chủ tịch VBA: Ngành đồ uống đón nhận 'nhiều cú sốc' liên tục

Invest Global 15:42 02/07/2024

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, ngành đồ uống đã phải đón nhận 'nhiều cú sốc' liên tục trong thời gian mấy năm gần đây. Vừa đi qua cú sốc của đại dịch, chưa kịp phục hồi thì chính sách cồn zero thực thi gắt gao trong thời gian dài...

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, ngành đồ uống đã phải đón nhận 'nhiều cú sốc' liên tục trong thời gian mấy năm gần đây. Vừa đi qua cú sốc của đại dịch, chưa kịp phục hồi thì chính sách cồn zero thực thi gắt gao trong thời gian dài...

Trong những năm gần đây, ngành đồ uống nói chung và bia, rượu nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới cũng như các chính sách liên quan.

Theo ước tính của VBA, ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng có mức tăng trưởng âm 7%. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình ngành bia tăng trưởng 5% - 6%/năm. Nếu theo tốc độ tăng đó, đến 2022, ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019, nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10% -15%; năm 2022 giảm khoảng 7%.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, mức cao nhất có thể lên tới 100%.

Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia. Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.

Với phương án 2, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.

Liên quan đến những khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp để ngành đồ uống vượt qua khó khăn, Nhadautu.vn trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA):

060720231123-ong-nguyen-van-vietÔng Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam. Ảnh: Quốc hội.

Thưa ông, Heineken Việt Nam vừa có thông báo về việc tạm dừng hoạt động Nhà máy Bia ở Quảng Nam. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Tôi nghĩ khi đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp cũng đã phải đánh giá, cân nhắc rất kỹ lưỡng trong một quá trình. Không một tập đoàn hay nhà đầu tư nào lại muốn đóng cửa nhà máy nhưng có lẽ đó là giải pháp cuối cùng tại thời điểm khó khăn hiện tại.

Từ những khó khăn liên tục trong nhiều năm trở lại đây COVID-19, xung đột thế giới, Nghị định 100… Và dự báo ngành sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn khi các chính sách về thuế được sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất, tăng gánh nặng chi phí hơn. Đặc biệt, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới đây đã được Quốc hội thông qua - người dân sẽ càng hạn chế sử dụng đồ uống có cồn hơn nữa.

Trước đó các doanh nghiệp cũng đã phải vật lộn với việc cắt giảm chi phí lợi nhuận để duy trì sản xuất, trong khi các gói hỗ trợ như giảm VAT 2% đối với doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn không được hưởng.

biaÔng Nguyễn Văn Việt cho biết, ngành đồ uống đã phải đón nhận "nhiều cú sốc" liên tục trong thời gian mấy năm gần đây. Ảnh: Thành Vân.

Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà ngành bia Việt Nam đang gặp phải?

Ông Nguyễn Văn Việt: Thực sự ngành đồ uống đã phải đón nhận "nhiều cú sốc" liên tục trong thời gian mấy năm gần đây. Vừa đi qua cú sốc của đại dịch, chưa kịp phục hồi thì chính sách cồn zero thực thi gắt gao trong thời gian dài tác động tới doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn.

Đặc biệt là các doanh nghiệp bia, vốn đã chịu nhiều hạn chế ít nhất từ 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử... Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.

Những tác động trên khiến các hệ thống nhà hàng, quán ăn lượng khách giảm mạnh dẫn tới phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên, giảm quy mô... Kéo theo ảnh hưởng tới cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả nông dân.

Năm 2023, doanh nghiệp ngành chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm từ một đến hai con số lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua.

Điều này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành đồ uống buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, cắt giảm nhiều lao động, đóng cửa các văn phòng khu vực, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng đóng cửa, gây ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội ở các địa phương, ảnh hưởng tới ngân sách địa phương, tới người lao động rất lớn.

image-20230920170131-1Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đồ uống. Ảnh: VBA.

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội sẽ có đề xuất giải pháp cụ thể nào để doanh nghiệp ngành đồ uống tối ưu hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Việt: Trước mắt với đề xuất tăng thuế TTĐB "sốc" hiện nay, chúng tôi sẽ có văn bản góp ý chính thức gửi tới Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội cân nhắc xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây "sốc" , ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.

Tăng thuế chỉ là một giải pháp, Chính phủ cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức này vào khoảng 2.816 triệu USD, trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2.015 triệu USD.

Chúng ta cần tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc… Họ đã xem xét điều chỉnh các chính sách này theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm thuế ... để thu hút đầu tư, du lịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) vừa có văn bản về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).

HEINEKEN Việt Nam cho rằng, từ sau giai đoạn COVID, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt với rất nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng.

Từ những yếu tố trên, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số tính đến nay.

"Để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển với thị trường đang và sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, chúng tôi đã quyết định tối ưu hoá hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình", đại diện HEINEKEN Việt Nam cho hay.

Môi trường kinh doanh