CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuẩn bị đón “bão giá” phân bón quay trở lại

Invest Global 17:35 29/09/2021

Sau một vài cuộc họp của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giá phân bón trong nước đã ngừng đà tăng vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 9 này giá phân bón đang có dấu hiệu tăng trở lại…

Tuy nhiên, theo quan sát của VnEconomy thì nguyên nhân giá phân bón dừng đà tăng và có giảm nhiệt nhẹ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 không phải đến từ những động thái cứng rắn của cơ quan quản lý Nhà nước mà do cả miền Bắc và miền Nam đã hết vụ chăm bón.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân là các địa phương tiêu thụ phân bón lớn bị cách trở vì giãn cách do dịch Covid – 19.

DỰ BÁO MỨC GIÁ KỶ LỤC MỚI

Theo khảo sát của VnEconomy, những ngày cuối tháng 9/2021 giá Urea, Kali và DAP thế giới đang có dấu hiệu tiếp tục đà tăng và kéo theo phân bón trong nước cũng tăng.

Cụ thể ngay sau khi Belarus, một nước xuất khẩu Kali lớn trên thế giới bị Mỹ và Anh cấm vận thì giá Kali tăng dựng đứng với các bản chào nhỏ giọt cho hàng xếp tháng 10/2021, hàng hạt nhỏ ở mức 550 USD/tấn CFR (CFR là tiền hàng cộng với cước phí) và hàng hạt lớn ở mức 620 USD/tấn CFR.

Các bản chào cho hàng xếp tháng 11/2021 đã tiếp tục lên mức 600 USD/tấn CFR cho hàng hạt nhỏ và 700 USD/tấn CFR cho hàng hạt lớn.

Phân DAP Trung Quốc được chào cho hàng rời nhập khẩu đường biển đã lên mức từ 730 đến 750 USD/tấn CFR và với mức thuế nhập khẩu 5%, mức thuế phòng vệ thương mại trên 1 triệu đồng/1tấn vẫn được duy trì như hiện nay thì giá vốn phân DAP Trung Quốc nhập mới đã lên trên 19.000.000 đồng/tấn.

Với phân bón sản xuất trong nước, những ngày cuối tháng 9/2021 giá Urea Cà Mau đã quay lại mức 11.300.000 đồng/tấn, đây là giá bán cho các đại lý cấp 1 còn giá bán trên thị trường bán buôn sau đại lý cấp 1 là hơn 12.000.000 đồng/tấn. Như vậy mức giá đến tay người nông dân sẽ khó thấp hơn 13.000.000 đ/tấn.

Điều đáng nói là cơn “bão giá” mới này lại ập đến khi vụ Đông Xuân ở miền Nam đang đến gần kề.

 

Với tình hình một số nhà máy sản xuất DAP trong nước phải đóng máy đúng thời điểm vụ Đông Xuân phía Nam đã chuẩn bị bắt đầu sẽ đẩy giá DAP trong nước tăng mạnh.

Ngoài ra, sau khi Công ty Apatit Lào cai tuyên bố không thể cung cấp được quặng apatit cho sản xuất DAP và Lân thì nhà máy DAP Lào Cai đã tuyên bố phải ngừng sản xuất còn DAP Đình Vũ tuyên bố chỉ có thể cầm cự sản xuất được hết tháng 9/2021.

Ngay sau tuyên bố của DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ thì giá DAP của hai nhà máy này tại Thành phố Hồ Chí Minh  đã tăng từ mức 14.300.000 đồng/tấn lên mức 15.500.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, dù chấp nhận mức giá cao này nhưng nhiều đại lý không tìm được nguồn hàng để mua.

Trước tình hình thế giới và trong nước có thể nhận thấy giá phân bón trong nước sẽ thiết lập mức giá kỷ lục mới từ tháng 10/2021.

CẦN ÁP DỤNG CƠ CHẾ THUẾ XUẤT KHẨU TỰ ĐỘNG

Nhìn lại quãng thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, đây là giai đoạn giá phân bón thế giới và trong nước tăng mạnh nhưng cả hai Bộ được giao quản lý phân bón là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều không đưa ra được một giải pháp nào cứu nguy cho người nông dân trong nước.

Những “nghịch lý” trên thị trường phân bón đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đó là việc cùng mặt hàng phân bón Urea với nguyên liệu đầu vào như nhau nhưng Urea Phú Mỹ tăng tới 83,7% trong khi Urea Cà Mau chỉ tăng 72%. Vậy mức chênh lệch giá bán giữa Urea Phú Mỹ và Urea Cà Mau là do đâu?.

 

Sau khoảng 5 tháng kể từ khi các phương tiện truyền thông phản ánh, khi giá phân bón đã lên đến đỉnh điểm thì Bộ Công thương mới “loay hoay” cho rà soát Hiệp định thương mại WTO mà Việt Nam đã tham gia 14 năm trước để tìm phương án áp dụng giảm nhiệt cho phân bón.

Một điều bất hợp lý nữa là khoảng 97% nguyên liệu đầu vào sản xuất phân Urea là than đá và khí thiên nhiên và đều được cung cấp trong nước. Trong khi đó từ đầu năm 2020 đến nay giá than đá và khí thiên nhiên tăng không đáng kể. Vậy lí do nào để phân Ure của các nhà máy sản xuất trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc… tăng giá bán?.

Một trong các giải pháp cấp thiết để kéo giá Urea và DAP xuống hiện nay để vụ Đông Xuân không bị “bỏ ruộng” ngoài các biện pháp đẩy mạnh sản xuất thì cần thực hiện tăng thuế xuất khẩu hoặc tạm dừng xuất khẩu.

Ngoài ra, cũng cần bỏ hoặc tạm dừng việc áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu để tăng lượng cung cho thị trường trong nước.

Về lâu dài, cần áp dụng cơ chế thuế xuất khẩu tự động. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra một mức giá cụ thể và khi giá phân bón thế giới tăng đến mức này và gây nguy cơ cho kiểm soát giá trong nước thì cơ chế này sẽ tự động kích hoạt. Đây sẽ là giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, loại bỏ được cơ chế xin cho trong xuất và nhập khẩu phân bón như hiện nay.

Doanh nghiệp - Doanh nhân