CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Tiếp theo đà giảm của phiên trước, sáng nay (31/10), thị trường chứng kiến đà lao dốc của cả chứng khoán Mỹ và châu Á.
Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, chỉ số S&P 500 rớt 1,86% xuống 5.705,45 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite mất 2,76% còn 18.095,15 điểm. Cả 2 chỉ số đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 03/09/2024. Chỉ số Dow Jones lùi 378,08 điểm (tương đương 0,9%) xuống 41.763,46 điểm.
Cổ phiếu Microsoft sụt 6% sau khi triển vọng doanh thu của gã khổng lồ ngành công nghệ khiến nhà đầu tư thất vọng và làm lu mờ kết quả lợi nhuận hằng quý vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Meta Platforms mất hơn 4% sau khi công ty mẹ của Facebook không đạt kỳ vọng của Phố Wall về mức tăng trưởng người dùng và cảnh báo rằng chi tiêu vốn sẽ tăng đáng kể trong năm 2025.
Báo cáo lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn từ đầu tuần này đến nay là một bức tranh trái chiều. Trong khi cổ phiếu Alphabet tăng gần 3% vào ngày 30/10 sau khi công ty báo cáo tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, cổ phiếu nhà sản xuất con chip AMD sụt hơn 10% khi nhà đầu tư thất vọng về triển vọng quý 4 của công ty.
Các công ty công nghệ tiếp tục công bố báo cáo lợi nhuận vào ngày 31/10, với kết quả từ các công ty vốn hoá lớn Apple và Amazon sẽ công bố sau phiên ngày thứ Năm.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 9 đã tăng 2,1% so với năm trước, phù hợp với dự báo và tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Số liệu PCE vào ngày thứ Năm, cùng với báo cáo việc làm và thất nghiệp tháng 10 vào ngày thứ Sáu (01/11), sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed vào ngày 07/11 khi cơ quan này kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Các chỉ số chính hiện đang ghi nhận sắc đỏ khi kết thúc tuần. Từ đầu tuần đến nay, Dow Jones mất 0,8%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,8% và 2,3%.
Cùng ngày, tại thị trường châu Á, chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,5% xuống 39.081,25 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,3% xuống 20.317,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 3.279,82 điểm.
Các thị trường chứng khoán Seoul, Sydney, Wellington, Mumbai và Manila cũng giảm.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán châu Á là do tâm lý các nhà đầu tư lo lắng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông lưu ý rằng các nhà giao dịch nên thận trọng bởi sau bầu cử, Mỹ có thể sẽ áp dụng các mức thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu của một số nước châu Á, gây ra những ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực./.