CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chứng khoán Mỹ sụt điểm sau chuỗi phiên lập kỷ lục, giá dầu bật tăng trở lại

Invest Global 10:28 22/10/2024

Phiên đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã gây áp lực lên giá cổ phiếu trong lúc nhà đầu tư chờ các báo cáo tài chính tiếp theo...

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/10), chấm dứt chuỗi phiên lập kỷ lục liên tiếp vào tuần trước, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gây áp lực lên giá cổ phiếu trong lúc nhà đầu tư chờ các báo cáo tài chính tiếp theo. Giá dầu thô tăng gần 2%, lấy lại một phần mất mát trong đợt bán tháo vào tuần trước.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,18%, còn 5.853,98 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 344,31 điểm, tương đương giảm 0,8%, còn 42.931,6 điểm, sau chuỗi 3 phiên lập kỷ lục.

Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,27% nhờ cổ phiếu công nghệ được mua, kết thúc phiên ở mức 18.540,01 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 12 điểm cơ bản, lên mức 4,19%. Đây là nguyên nhân chính khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ mất điểm phiên này.

Dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu giảm lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất ngắn hạn vào tháng 9, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - tức lãi suất dài hạn - vẫn trong xu hướng tăng. Theo giới chuyên gia, đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tin rằng lạm phát và lãi suất ở Mỹ trong tương lai sẽ cao hơn so với hiện tại.

Phát biểu ngày thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, lặp lại dự báo rằng Fed sẽ giảm lãi suất từ tốn trong những quý sắp tới, trừ phi thị trường việc làm xấu đi nhanh chóng. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đạt cược khả năng 86,5% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 11, giảm từ mức trên 90% trong tuần trước, và khả năng Fed không hạ lãi suất đã tăng lên mức 13,5%.

Chịu sức ép giảm nhiều nhất từ phiên tăng này của lợi suất trái phiếu là các cổ phiếu tiêu dùng và xây dựng, như Target giảm 3,8% và Builders FirstSource giảm 5,2%.

“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên. Tôi cho rằng đó là vì nhà đầu tư đang nghĩ Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn vì nền kinh tế Mỹ vẫn còn vững. Chính vì nền kinh tế còn vững, Fed sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để giảm lạm phát về mục tiêu 2% trong năm tới”, trưởng chiến lược Sam Stovall của công ty CFRA nhận định với hãng tin Reuters.

Tuần này sẽ không có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, nên giá cổ phiếu ở Phố Wall sẽ bị chi phối chủ yếu bởi báo cáo tài chính quý 3/2024 của các công ty niêm yết. Mùa báo cáo đang bước vào giai đoạn cao điểm với khoảng 1/5 số công ty thành viên S&P 500 dự kiến công bố báo cáo trong tuần này, với những cái tên lớn như Tesla và Coca-Cola.

Đến hiện tại, đã có khoảng 14% số thành viên S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Trong số đó, có khoảng 70% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet. Tuy nhiên, việc một tỷ lệ lớn doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận cao hơn kỳ vọng được cho là xuất phát một phần từ việc trong những tháng gần đây, giới phân tích đã hạ mạnh kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý này.

“Tôi không cho là chúng ta đang ở vào giai đoạn khởi đầu của một kỳ suy thoái lợi nhuận, nhưng ngưỡng kỳ vọng là rất thấp và dễ để vượt qua. Với kỳ vọng thấp như vậy, rất có khả năng quý 3/2024 sẽ là quý thứ 60 trong vòng 62 quý vừa qua các công ty niêm yết có được mức lợi nhuận quý bình quân cao hơn kỳ vọng bình quân”, ông Stovall nói thêm.

Giới đầu tư vẫn đang hy vọng chứng khoán Mỹ còn dư địa để tăng, nhưng họ nhận thức được rằng định giá cổ phiếu đang bị kéo căng, nhất là trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần và rủi ro địa chính trị tăng cao. Những yếu tố này có thể khiến thị trường biến động nhiều trong thời gian tới.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, cả S&P 500 và Dow Jones đều lập kỷ lục mọi thời đại và hoàn tất tuần tăng thứ Sáu của mỗi chỉ số.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,23 USD/thùng, tương đương tăng 1,68%, chốt ở mức 74,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,34 USD/thùng, tương đương tăng 1,94%, chốt ở 70,56 USD/thùng.

Trước phiên tăng này, giá dầu Brent đã giảm hơn 7% trong tuần trước và giá dầu WTI giảm khoảng 8%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 2/9. Giá dầu tụt dốc do tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có phần dịu đi khiến phần bù rủi ro của giá dầu giảm bớt.

Ngày đầu tuần, các cuộc giao tranh ở dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas, cũng như các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu phiến quân Hezbollah ở Lebanon đều có chiều hướng nóng lên, bất chấp nỗ lực của Mỹ nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên.

“Giá dầu tăng vì chiến sự ở Trung Đông leo thang… Đợt bán tháo dầu trong 2 tuần qua chủ yếu là do các nhà đầu cơ thanh lý hợp đồng giá lên trong bối cảnh thị trường tiếp tục tìm kiếm điểm cân bằng giữa một bên là sự giảm tốc của nhu cầu và một bên là bất ổn tiếp diễn ở Trung Đông”, Phó chủ tịch cấp cao Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận xét với hãng tin Reuters.

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc công bố dữ liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 đạt thấp nhất kể từ đầu 2023. Dữ liệu này làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.

Ngày thứ Hai, các ngân hàng thương mại Trung Quốc đồng loạt cắt giảm lãi suất, thực thi gói kích cầu mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố hồi cuối tháng 9 để phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, phát biểu cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ còn yếu trong năm 2025.

Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 11/10, sản lượng khai thác đầu của Mỹ tăng 100.000 thùng/ngày, đạt kỷ lục 13,5 triệu thùng/ngày.

Quốc tế