CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cổ phiếu dệt may: Chậm mà chắc

Invest Global 08:45 19/01/2022

Dù không phải nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường nhưng dệt may luôn là một trong những lựa chọn ưa thích của giới đầu tư bởi kết quả kinh doanh ổn định, dễ làm cho cổ phiếu dệt may “thăng hoa”. Mặt khác, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được lợi nhuận khả quan, dự báo đây vẫn là ngành sẽ hồi phục mạnh mẽ khi đại dịch dần được kiểm soát.

Sau gần hai năm gián đoạn do dịch Covid – 19, bất chấp những khó khăn liên tục xảy ra, ngành dệt may đã bắt đầu tìm lại “vị thế” trong nửa cuối năm 2021, nhờ được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử, cùng với nhu cầu bị dồn nén đã dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng.

Thị phần xuất khẩu vươn lên vị trí thứ hai

Theo thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước tính đạt 39 tỷ USD (+11,2% so với cùng kỳ và +0,3% so với năm 2019). Đây là kết quả đáng ghi nhận mặc dù có sự gián đoạn kéo dài do chính sách giãn cách xã hội trong quý 3/2021.

Det-may-2625-1642504231.jpg

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được lợi nhuận khả quan. (Ảnh: Int)

Vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai trên thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Theo đó, nhiều công ty đã đạt được lợi nhuận khả quan, đơn cử như CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) và CTCP May Sông Hồng (MSH) trong quý 3/2021, lần lượt công bố mức tăng trưởng ở mức cao là 31% và 105% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) ước đạt 16.463 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch.

Trên thị trường chứng khoán, tính chung năm 2021, cổ phiếu ngành dệt may tăng 111% so với thời điểm đầu năm, cao hơn 77% so với chỉ số VN-Index. Trong đó, các cổ phiếu có hiệu quả tốt nhất là VGT (+173%), MSH (+120%), STK của CTCP Sợi Thế Kỷ (+186%), TNG (+139%), NDT của Tổng CTCP Dệt May Nam Định (+456%) và ADS của CTCP Damsan (+385%).

Các chuyên gia phân tích nhận xét, do kết quả lợi nhuận từ cả ngành dệt may và sợi chuyển biến mạnh mẽ, vươn khỏi mức thấp trong năm 2020 nên các công ty này đều có hiệu suất tốt hơn chỉ số VN-Index trong năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có kế hoạch phát triển dự án bất động sản để bù đắp phần lợi nhuận giảm sút do dịch nên lợi nhuận vẫn giữ được mức ổn định.

Chẳng hạn, May Thành Công quyết định phát triển dự án TC Tower 1 tại 37 Tây Thạnh, Tân Phú với diện tích gần 10,000m2 và đã hợp tác với đối tác để hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án này trong năm 2021.

Hay như CTCP Sản xuất kinh doanh XNK Bình Thạnh (GIL) cũng bắt đầu phát triển Bất động sản Khu công nghiệp. Cụ thể, công ty dự kiến xây dựng khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế với quy mô 460.8 ha và tổng vốn đầu tư 2,614 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm, Thái Nguyên tổng diện tích 70 ha.

Vẫn còn nhiều “rào cản”

Theo dự kiến của McKinsey (công ty tư vấn quản lý toàn cầu), năm 2022, doanh thu tổng thể thời trang toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn với động lực tăng trưởng có thể từ Mỹ và Trung Quốc trong khi Châu Âu chững lại. Thời trang giá rẻ và cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, vì sự phục hồi dự kiến sẽ không đồng đều giữa các phân khúc giá trị trong khi thị trường trung cấp siết chặt lại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã áp thuế nhập khẩu 5 năm đối với sợi polyester nhập khẩu (loại POY, DTY và FDY) có hiệu lực từ ngày 16/10/2021 sẽ có lợi cho hầu hết các công ty sản xuất sợi trong nước, đặc biệt là CTCP Sợi Thế Kỷ. Nhờ đó, công ty có thể mở rộng sản lượng tiêu thụ nội địa phù hợp với kế hoạch mở rộng công suất hiện tại.

Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ vẫn diễn biến phức tạp với những thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu nguyên liệu. Những yếu tố này tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào và mất cân đối giữa cung và cầu. Theo đó, người tiêu dùng có thể chịu mức giá cao hơn và các công ty sản xuất có mức biên lợi nhuận thu hẹp.

Đồng thời, bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ và sự mất cân đối lao động do doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

“Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5/2022 nhưng chưa thể biết được tiếp theo sẽ ra sao vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng cổ phiếu ngành dệt may năm 2022, các công ty chứng khoán cho rằng, trong 5 năm qua, các cổ phiếu ngành dệt may giao dịch với hệ số P/E trung bình là 8x. Được hỗ trợ bởi sự thay đổi của ngành sợi và triển vọng trung hạn tích cực của ngành may mặc khi một số công ty đã và đang mở rộng công suất, toàn bộ ngành đã được định giá lại lên 14x trong năm 2022.

“Ngành dệt may đã được định giá lại để phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tích cực trong trung hạn. Việc định giá lại có thể xảy ra tiếp khi kế hoạch phát triển nguồn cung vải trong nước trở nên rõ ràng hơn, giúp ngành gặt hái được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Do đó, đây sẽ là thách thức đối với cổ phiếu ngành dệt may khi giao dịch ở mức P/E cao hơn so với năm 2021”, Công ty chứng khoán SSI nhận định.

Hải Giang