CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chiếc bánh bao hấp với nhân làm bằng protein thực vật có hương vị thịt heo tại hội chợ thực phẩm chay VeggieWorld ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Thị trường đầy tiềm năng
Thị trường thịt thay thế của Trung Quốc đang đang thu hút được quan tâm của các công ty khởi nghiệp (startup), các doanh nghiệp thực phẩm truyền thống và giới đầu tư. Các nhà đầu tư này cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đi theo xu hướng tiêu thụ protein có nguồn gốc từ thực vật giống như người dân Mỹ.
Dịch tả heo châu Phi và cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang cùng “hợp lực” đẩy giá các loại thịt động vật lên cao ở đất nước đông dân nhất thế giới. Đó cũng là một nguyên nhân khiến “thịt thực vật” đang được chú ý đến nhiều hơn ở Trung Quốc. Trong đó, các công ty thực phẩm chay truyền thống của Trung Quốc như Whole Perfect Food đang liên tiếp tung ra các sản phẩm mới.
Tại Mỹ, hai nhà sản xuất “thịt thực vật” hàng đầu Impossible Foods và Beyond Meat đã chứng kiến cơn bùng nổ nhu cầu hồi đầu năm nay, khiến họ phải hoạt động hết công suất. Điều này giúp, cổ phiếu của Beyond Meat tăng giá chóng mặt sau khi niêm yết và đạt mức đỉnh 240 đô la vào hồi tháng 7.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, những công ty khởi nghiệp (startup) đầu tiên về lĩnh vực “thịt thực vật” đang xuất hiện bao gồm Zhenmeat và Starfield.
Cổ phiếu của Công ty sản xuất thịt nguội Jinzi Ham, có trụ sở ở tỉnh Chiết Giang, tăng 50% trong vòng một tuần sau khi công ty này ra thông báo hồi tháng 10 cho biết sẽ hợp tác với Danisco Investment, công ty con của Dupont (Mỹ) để bán thịt có nguồn gốc từ thực vật. Cụ thể, Jinzi Ham đã nhận được 1.000 đơn hàng sau khi thử bán các hộp bánh có hương vị bò làm từ thực vật với giá 118 nhân dân tệ (390 ngàn đồng VN) trên nền tảng Tmall của Alibaba.
Theo Ma Xiaozhong, Giám đốc công nghệ của Jinzi Ham, bằng cách chiết xuất protein từ đậu nành, đậu Hà Lan, bột mì và các loại rau, hạt khác, công ty ông có khả năng sản xuất “thịt thực vật” có hương vị và chất dinh dưỡng chẳng khác gì thịt động vật.
Cũng trong tháng 10, Công ty đóng gói thực phẩm MYS Group, có trụ sở ở Thâm Quyến, thông báo đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm “thịt thực vật” và sẽ tổ chức một sự kiện dùng thử các sản phẩm này.
“Cuộc chiến” khốc liệt giữa doanh nghiệp nội và ngoại
Không theo con đường giống như Impossible Foods hay Beyond Meat, hầu hết các công ty Trung Quốc không sản xuất hamburger có nhân “thịt thực vật”. Thay vào đó, họ tập trung đưa hương vị thịt heo (có nguồn gốc từ thực vật) vào các món ăn yêu thích trong nước như bánh bao, bánh trung thu và thịt viên.
Zhou Qiyu, một lãnh đạo tiếp thị ở Công ty Whole Perfect Food cho biết: “Các công ty Âu Mỹ có dồi dào kinh nghiệm trong các khâu chiên, nướng thực phẩm, trong khi đó, chúng tôi có văn hóa ẩm thực và công thức nấu ăn khác hẳn”.
Các lát bánh trung thu có nhân làm từ protein thực vật của công ty Zhenmeat. Ảnh: Reuters |
Công ty khởi nghiệp Shenmeat mới được thành lập cách đây một năm nhưng được truyền thông Trung Quốc ca ngợi như là đối thủ tiềm năng của Beyond Meat sau khi startup này sử dụng “thịt” làm từ protein đậu Hà Lan cho các sản phẩm bánh Trung thu.
Vince Lu, người đồng sáng lập Zhenmeat, cho biết công ty ông đang chuẩn bị sản xuất thịt viên và bánh bao với các thành phần có nguồn gốc từ protein thực vật.
“Chúng tôi đang phân tích và nghiên cứu sản xuất hương vị thịt heo từ thực vật và chúng tôi đi theo hướng đó để tạo ra sự khác biệt giữa chúng tôi với các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ”, Vince Lu chia sẻ.
Trong 20 năm qua, Công ty Whole Perfect Food chủ yếu phục vụ nhu cầu của những người ăn chay theo đạo Phật của Trung Quốc. Gần đây, công ty tung ra 40 sản phẩm xúc xích được làm từ protein đậu nành và đậu Hà Lan với nhiều hương vị khác nhau
Hồi đầu năm nay, Whole Perfect Food đã thử nghiệm hợp tác bán hàng với tập đoàn bán lẻ Walmart. Công ty này cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác với chuỗi siêu thị thực phẩm Hema của Alibaba cũng như chuỗi siêu thị Yonghui Superstores được tập đoàn Tencent hẫu thuận tài chính.
Hãng nghiên cứu Euromonitor cho biết kể từ năm 2014 đến cuối năm ngoái, thị trường thực phẩm “không thịt” của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đạt mức tăng trưởng 33,5% lên con số 9,7 tỉ đô la. Euromonitor dự báo thị trường này của Trung Quốc sẽ đạt giá trị 11,9 tỉ đô la vào năm 2023.
Impossible Foods xác định Trung Quốc là thị trường mục tiêu số một trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Công ty này cho biết sản phẩm hamburger với nhân “thịt thực vật” mang thương hiệu Impossible Burger có thể dễ dàng điều chỉnh để phù hợp với gu ẩm thực truyền thống của Trung Quốc.
Trong tháng này, Impossible Foods đã triển lãm món bánh bao ăn kèm nước sốt với thành phần 100% thực vật tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải. Công ty cho biết đang phát triển thử nghiệm sản phẩm sử dụng “thịt thực vật” cho thị trường Trung Quốc.
Pat Brown, Giám đốc điều hành Impossible Foods cho biết: “Chúng tôi nhận được sự quan tâm lớn tại Trung Quốc. Nhiều nhà hàng và nhà bán lẻ ở đây đang mong chờ Impossible Foods được cấp phép bán sản phẩm ở thị trường đông dân nhất thế giới.”
Trong khi đó, Seth Goldman, Giám đốc điều hành Beyond Meat, cho biết công ty ông sẽ điều chỉnh chỉnh công thức sản xuất “thịt” làm từ protein đậu Hà Lan cho thị trường Trung Quốc để sản xuất bánh bao và các sản phẩm khác. Công ty này đặt mục tiêu khai trương cơ sở sản xuất đầu tiên ở châu Á vào cuối năm sau trước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc không xa lạ với thực phẩm sử dụng các thành phần thực vật để tạo nên hương vị giống thịt chẳng hạn, các sản phẩm “thịt giả” làm từ đậu nành.
Matilda Ho, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư công nghệ thực phẩm Bits x Bites ở Thượng Hải, cho rằng các đối thủ trên thị trường “thịt thực vật” của Trung Quốc cần phải giới thiệu các sản phẩm có hương vị hấp dẫn để thuyết phục người tiêu dùng giảm dần sử dụng thịt thật.
“Nếu bạn chỉ đơn giản sử dụng protein đậu Hà Lan hay protein đậu nành, rồi bổ sung thật nhiều phụ gia để giúp chúng kết dính hơn và bán ra thị trường, điều đó không phải là sáng tạo thực sự”, Matilda Ho nói.
Thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang sử dụng “thịt thực vật” sẽ là một thách thức lớn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất “thịt thực vật” có thể khai thác nhu cầu của những người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc vì họ có xu hướng đón nhận sớm các xu hướng ẩm thực và thích thử các món ăn mới.
Theo Reuters