CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
CTD: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xây dựng Coteccons (CTD) vừa có giải trình về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2021. Ghi nhận, doanh thu hợp nhất nửa đầu năm giảm mạnh 32% xuống còn 5.119 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đa số vẫn là doanh thu hợp đồng xây dựng với 5.110 tỷ đồng, giảm gần 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 99,8% tổng doanh thu Công ty.
Theo giải trình, doanh thu trong kỳ giảm do những khó khăn chung của ngành xây dựng, cùng với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.
Mặt khác, doanh thu tài chính công ty mẹ 6 tháng qua cũng giảm mạnh gần 66%, nguyên nhân theo Coteccons do lượng tiền gửi tiết kiệm của Công ty giảm. Cùng với đó, lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn của các ngân hàng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Coteccons lần đầu phát sinh chi phí lãi vay sau khi Kusto nắm quyền kiểm soát đã sử dụng đòn bẩy, chi phí quản lý tăng mạnh từ 180 tỷ lên 242 tỷ đồng. Nói về điều này, Coteccons cho biết chi phí doanh nghiệp tăng do Công ty tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện trích trước các khoản chi phí thưởng, lương bổ sung sẽ chi cho nhân viên vào cuối năm theo thời gian làm việc thực tế đến thời điểm báo cáo, thay vì ghi nhận chi phí theo thực tế tại thời điểm chi trả như trước đây.
Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Công ty chỉ còn 99 tỷ, giảm gần 65% so với nửa đầu năm ngoái.
Tại BCTC soát xét, ban lãnh đạo Coteccons cũng nhấn mạnh sự kiện trọng yếu liên quan đến Covid-19, khi đại dịch diễn biến phức tạp đang dẫn đến sự suy thoái kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp và ngành nghề. "Tình hình này dẫn đến các yếu tố không chắc chắn và có thể tác động đến môi trường mà Tập đoàn đang hoạt động. Ban giám đốc vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, cũng như đánh giá các ảnh hưởng tài chính", Công ty cho biết thêm.
Chính thức nắm quyền kiểm soát tại CTD từ tháng 10/2020, và lần lượt thay máu dàn lãnh đạo cấp cao, CTD sau gần 1 năm Kusto "nắm cán" thực sự chưa cho thấy sự đột phá, ngược lại lợi nhuận liên tục giảm mạnh. Dù rằng, ban lãnh đạo liên tục nhấn mạnh về định hướng tái cấu trúc kinh doanh, nắm bắt xu thế mới giảm tỷ trọng ngành xây dựng cũng như phát triển Coteccons đa ngành.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm nay, ban lãnh đạo mới cho biết Coteccons thời gian tới sẽ không tập trung toàn lực cho mảng cốt lõi là xây dựng, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng là chủ lực, song song với mảng tài chính xây dựng, M&E, cơ sở hạ tầng… Coteccons cũng lấn sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió; tận dụng thế mạnh trong mảng thi công nhà xưởng, mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.
Riêng mảng M&E đặt mục tiêu năm 2021 đạt 5.000 tỷ đồng tổng giá trị đấu thầu và 3.102 tỷ đồng tổng doanh thu triển khai thi công dự án, tăng 67% so và 49% so với thực hiện ở năm 2020, ban lãnh đạo nói thêm.
Với những định hướng trên, Coteccons hướng đến mốc doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025. Định hướng đón đầu những mảng tiềm năng cũng như mở rộng cơ hội kinh doanh là đáng ghi nhận, tuy nhiên giữa giai đoạn hiện nay con số trên của ban lãnh đạo mới theo nhiều ý kiến khá "mơ mộng".
Ngắn hạn, ngành xây dựng chịu áp lực lớn, chưa kể Coteccons còn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ nhóm đối thủ là công ty của "tướng" cũ là ông Nguyễn Bá Dương. Trong động thái mới đây, Coteccons vừa thông qua quyết định dừng hợp đồng với các nhà thầu liên quan chủ cũ gồm Newtecons, SOL E&C, Ricons… vì mâu thuẫn lợi ích.
Mặt khác, nửa đầu năm nay, Coteccons cũng đã thông qua việc góp vốn vào CTCP CTD FutureImpact với số tiền 4,5 tỷ ododnfg, tương đương nắm 89,8% vốn chủ và quyền biểu quyết.
Tri Túc
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị