CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong cuộc chiến ứng phó dịch Covid-19, ngày 26/3, Công ty TNHH Công nghệ FastWork Việt Nam cho biết vừa quyết định hỗ trợ miễn phí phần mềm chấm công trực tuyến (online) bằng di động cho các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng trong mùa dịch.
Chấm công online
Như một sự chuẩn bị sẵn cho những thời điểm khó khăn cũng như thích ứng chuyển đổi số, từ đầu năm ngoái, phần mềm này được xây dựng rồi đưa vào hoạt động và đến nay đã giúp hơn 3.000 DN ở Việt Nam và hơn 30.000 người dùng tăng hiệu suất làm việc, nâng cao chất lượng công việc và có nhiều thời gian sáng tạo.
Doanh nghiệp Việt cần ứng phó giỏi để đảm bảo toàn bộ “cỗ máy” vượt qua bão dịch |
Cụ thể, thông qua việc sử dụng nền tảng web và di động với 2 hệ điều hành iOS và Android, phần mềm chấm công bằng di động giúp người lao động trong DN dễ dàng chấm công bằng cách chụp ảnh chân dung thông qua ứng dụng (app) FastWork trên di động có kết nối 3G, wifi mà không cần sử dụng máy chấm công.
Rõ ràng, việc này rất tiện lợi để tránh hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh Covid-19 ẩn náu trên các thiết bị công cộng.
Ngoài ra, với công nghệ điện toán đám mây và bản đồ GPS, phần mềm này còn giúp lãnh đạo DN nắm bắt nhanh tình hình quân số, thời gian, địa điểm làm việc của nhân viên không có mặt tại văn phòng giữa lúc dịch bệnh căng thẳng.
Mặt khác, với việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) - cụ thể là công nghệ nhận diện khuôn mặt Face ID, giúp DN loại bỏ 100% tình trạng chấm công hộ. Dữ liệu công chính xác, được phần mềm tự động tổng hợp từ hoạt động chấm công, đơn thư điện tử và được quản lý tập trung trên một hệ thống trực tuyến.
Như chia sẻ của FastWork – đơn vị phần mềm quản trị và điều hành DN trên nền tảng công nghệ SaaS,phần mềm chấm công trực tuyến giúp các DN ở Việt Nam phòng dịch hiệu quả và tháo gỡ các khó khăn trong quản lý nhân sự, chấm công - quản lý công và giám sát chấm công trong giai đoạn phòng dịch.
“Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho phần mềm chấm công online bằng di động sẽ giúp DN giải quyết triệt để các khó khăn, nhất là giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong giai đoạn phòng dịch Covid-19 và về lâu dài”, đại diện FastWork chia sẻ.
Theo khuyến nghị mới đây của hãng nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam về kế hoạch ứng phó cho DN Việt trước dịch Covid-19, đây là quá trình liên tục và các ưu tiên sẽ thay đổi theo thời gian khi các DN xem xét tình hình để đưa ra chiến lược dài hạn. Nhất là khi Covid-19 có thể để lại hậu quả lâu dài sẽ ảnh hưởng đến các quyết định tương lai của DN trong thời gian dài.
Phía JLL đề xuất kế hoạch tiếp cận tình hình theo từng giai đoạn, từ giai đoạn khởi xướng đến quá trình phục hồi. Trong ngắn hạn, các DN sẽ tập trung vào kế hoạch duy trì hoạt động, nhưng sẽ có những tác động dài hạn đáng kể đối với việc ra quyết định với sự đổi mới về khả năng phản ứng nhanh.
“Cỗ máy” vượt bão dịch
Chẳng hạn như 1 - 2 tuần tới, các DN Việt cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh. Quan trọng là cần liên tục phân tích dữ liệu để nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến DN.
Thời điểm này, DN nên tối giản hóa quy trình ra quyết định nhằm bắt kịp tình hình phức tạp. Nếu cần, hãy đóng các cơ sở (hoặc văn phòng) ngay lập tức và triển khai kế hoạch làm việc từ xa.
Trong ngắn hạn (3 - 4 tuần), DN cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục. Nhất là tăng tốc các công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa và tại nhà khi cần thiết. Tập trung vào quản lý vận hành cho các vị trí quan trọng. Đảm bảo duy trì nguồn cung – cẩn trọng về lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Trong trung hạn (1 - 3 tháng), rất cần tính liên tục cải thiện công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa và tín hiệu liên lạc. Liên tục theo dõi và cải thiện chuỗi cung ứng. Gia tăng thận trọng trong những quyết định.
Trong dài hạn (trên 3 tháng), theo JLL Việt Nam, các chương trình làm việc từ xa sẽ dẫn đến sự thay đổi văn hóa DN. Chẳng hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hoặc việc thay đổi nhận thức của DN về tính bền vững, xem xét nhu cầu thị trường, nơi cung cấp chỗ ở và không gian làm việc an toàn hơn.
Bên cạnh đó, để DN Việt ứng phó tốt trong thời điểm khó khăn này trước dịch Covid-19, Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT Việt Nam) nhấn mạnh các DN nên rà soát nguồn lực bằng việc xem xét lại cơ cấu hiện tại và xác định những nguồn lực thiết yếu để vận hành.
Theo đó, DN có thể củng cố hoặc luân chuyển các nguồn lực này để đảm bảo toàn bộ “cỗ máy” vận hành hiệu quả nhất. Chẳng hạn, có thể tạm thời luân chuyển nhân viên bộ phận nghiên cứu thị trường sang bộ phận chăm sóc khách hàng.
Mặt khác, cần chia nhỏ rủi ro. Có thể cân nhắc chia ban quản lý và nhân viên thành hai nhóm không tiếp xúc trực tiếp với nhau để đảm bảo hoạt động được diễn ra xuyên suốt trong mùa dịch. Điều này rất quan trọng để có thể đảm bảo kinh doanh liên tục.
“Mỗi bộ phận quan trọng trong DN cần có hai người lãnh đạo và cách tiếp cận này cần được triển khai từ các cấp quản lý cao đến thấp. Các nội dung công việc nên được phụ trách bởi hai phía để có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có thành viên bị gián đoạn công việc”, Ts. Burkhard nói.
Thế Vinh